Đây là kỳ kiểm tra có số lượng thí sinh tham gia đông nhất, gồm 722 thí sinh ở phía Nam và 404 thí sinh ở phía Bắc.
Tại buổi lễ, luật sư (LS) Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) nhắc nhở các thí sinh phải trung thực trong kỳ thi, tránh các trường hợp sử dụng "phao" sẽ bị xử lý theo quy định. Cạnh đó, LS Hoài chúc tất cả thí sinh đạt được kết quả tốt trong kỳ thi.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư Pháp, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: YC
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình (Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư Pháp) cho rằng việc tổ chức kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự LS là một trong các khâu quan trọng của quá trình đào tạo, tuyển chọn nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng cho đội ngũ LS Việt Nam hiện nay.
Theo ông Bình, tuy số lượng LS trong những năm gần đây có tăng nhưng tỉ lệ LS trên dân số Việt Nam còn thấp. Do vậy, việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ LS đang là đòi hỏi cấp thiết để đội ngũ LS đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của khách hàng, của nhân dân và cộng đồng xã hội.
Để đánh giá được chất lượng LS thì một trong những nhiệm vụ hàng đầu đó là tổ chức đào tạo nghề LS, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS, bồi dưỡng LS khi đã trở thành LS. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn LS Việt Nam đã tổ chức thành công 11 kỳ kiểm tra và qua công tác kiểm tra, Bộ Tư pháp ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Liên đoàn LS Việt Nam, của các Hội đồng kiểm tra qua các kỳ tổ chức kiểm tra.
Cuối cùng, ông Bình mong các thí sinh tự tin bước vào kỳ thi, đạt kết quả cao nhất và chúc cho kỳ kiểm tra thành công tốt đẹp.
Luật sư Nguyễn Đình Thư, thành viên Hội đồng kiểm tra, phổ biến nội quy kỳ kiểm tra. Ảnh: YC
Tiếp đến, LS Nguyễn Đình Thư (thành viên Hội đồng kiểm tra) phổ biến nội quy kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS. Theo ông Thư, các thí sinh được mang vào phòng kiểm tra bút viết, thước kẻ; đối với bài kiểm tra kỹ năng được mang các văn bản pháp luật; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy tính xách tay... và các tài liệu không phải là văn bản pháp luật.
Ông Thư nêu ở kỳ kiểm tra trước đã có thí sinh viết cả bộ quy tắc trên tay đã bị phát hiện và phải chịu hình phạt đình chỉ kiểm tra.
Cạnh đó, ông Thư lưu ý các thí sinh không được viết tên riêng hoặc có ký hiệu riêng lên bài kiểm tra. Ông kể kỳ kiểm tra trước đã có tám trường hợp vi phạm ghi tên riêng và đã bị xử lý trừ 50% số điểm.
Rất đông các thí sinh đến tham dự buổi lễ. Ảnh: YC
Tại buổi lễ, một thí sinh đặt câu hỏi là án lệ, sách so sánh luật, các công văn giải đáp của TAND Tối cao có được mang vào phòng thi hay không? Giải đáp, ông Thư cho biết theo quy định thì án lệ và các công văn giải đáp của TAND Tối cao được mang vào phòng thi. Riêng văn bản so sánh luật nếu là văn bản ghi các điều luật thì được mang, còn văn bản diễn giải thì không.
Bốn hình thức xử lý đối với các thí sinh vi phạm - Khiển trách, thí sinh bị khiển trách sẽ bị trừ 25% số điểm. - Cảnh cáo, thí sinh bị cảnh cáo sẽ bị trừ 50% số điểm. Riêng đói với trường hợp bài thi đánh dấu bài thì trưởng ban chấm thi viết đề xuất trừ 50% số điểm môn thi đó để chủ tịch Hội đồng kiểm tra quyết định. - Đình chỉ kiểm tra đối với các thí sinh vào muộn 15 phút kể từ khi công bố đề thi; tái phạm khi đã bị cảnh cáo; sử dụng tài liệu cấm trong phòng thi; có hành vi gây rối trật tự, gây mất an toàn trong phòng kiểm tra;... - Hủy bỏ kết quả kiểm tra áp dụng đối với thí sinh đánh tráo bài kiểm tra, kiểm tra hộ, làm kiểm tra trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ kiểm tra... |