Sáng 18-1, lễ khai mạc trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm sẽ diễn ra đến hết 18-5.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15 - 18 được tìm thấy ở những con tàu đắm tại biển Việt Nam. Đó là tàu Cù Lao Chàm, tàu Hòn Cau, tàu Hòn Dầm, tàu Bình Thuận, tàu Cà Mau và tàu Châu Tân...
Trưng bày gồm 4 nội dung chính: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển; Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam.
Từ trái qua: Bình hoa lam vẽ thiên nga (Bảo vật quốc gia); Tượng nữ quý tộc; Đĩa men trắng, vẽ lam (Gốm, thế kỷ XV), khai quật Tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam 1997- 2000. Ảnh: website Bảo tàng lịch sử quốc gia.
Gần 500 hiện vật được trưng bày vốn là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại khu vực biển Đông Việt Nam sẽ giới thiệu khái quát nhất về thành tựu khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, về những đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam và các nước châu Á và về “con đường tơ lụa” trên biển.
Trên webite Bảo tàng Lịch sử quốc gia, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng, trưng bày không chỉ cuốn hút từ tên gọi mà qua từng hiện vật, công chúng đều có cơ hội khám phá những báu vật vô giá dưới đáy đại dương huyền bí.
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là hiện vật có kích thước lớn nhất và nguyên vẹn nhất được khai quật trong tàu đắm tại Cù Lao Chàm. Chiếc bình đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012. Thời điểm phát hiện, con tàu nằm ở độ sâu 70-72 m dưới biển. Phần thuyền còn lại dài 29,4 m, rộng 7,2 m. Việc khai quật được tiến hành trong 3 năm (1997-2000) với 240.000 hiện vật được trục vớt. Ảnh: VNE
Trước đó, từ tháng 11-2017 đến tháng 4-2018, trưng bày này đã được giới thiệu tại Mokpo và Busan (Hàn Quốc) với tên gọi “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” và đã được các nhà nghiên cứu, công chúng Hàn Quốc đón nhận và quan tâm sâu sắc.