Trong các bộ hồ sơ du học, đặc biệt là xin trợ cấp học bổng từ trường, các tổ chức doanh nghiệp, các cơ quan quốc tế phi lợi nhuận… luôn có đề mục yêu cầu ứng cử viên trình bày về các hoạt động ngoại khóa.
Đặc trưng của nền giáo dục phát triển toàn diện của Mỹ và các nước phương Tây yêu cầu ứng viên không chỉ có kiến thức, mà quan trọng hơn sinh viên cần phải biết làm việc theo nhóm, thuyết trình trước mọi người, có tư duy lôgic và sáng tạo nhằm phục vụ quá trình học. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa/xã hội sẽ cho thấy kỹ năng sống và tinh thần hướng về cộng đồng, một giá trị quan trọng để ứng viên xứng đáng nhận tài trợ/học bổng từ cá nhân hay đoàn thể.
Tập trung vào hoạt động bổ trợ chuyên môn
Thực tế đối với một ứng viên năng động, chịu lăn xả thì việc liệt kê các hoạt động ngoại khóa là không khó. Nhiều ứng viên nộp hồ sơ học bổng đã liệt kê một danh sách dài sọc những hoạt động tình nguyện, tham gia câu lạc bộ, các hiệp hội… trong suốt những năm học trước.
Điểm mấu chốt cũng là yêu cầu cốt yếu của mục hoạt động ngoại khóa là trình bày chứ không phải liệt kê. Ứng viên cần chia hoạt động ngoại khóa thành hai dạng: i) Hoạt động ngoại khóa học thuật: Bổ trợ trực tiếp kỹ năng, khả năng liên quan đến ngành học hay chuyên môn; ii) Hoạt động ngoại khóa sở thích: Thể hiện sự quan tâm của bản thân đến môi trường, con người xung quanh, chú trọng tinh thần tình nguyện. Trong hai nhóm này, nhóm một cần được ưu tiên trình bày theo chiều sâu; còn nhóm hai ứng viên nên trình bày theo chiều rộng.
Qua hoạt động ngoại khóa, ứng viên phải thể hiện được tâm huyết với ngành học, mong muốn cống hiến cho xã hội; và khả năng liên quan (lãnh đạo, giao tiếp, quản lý thời gian…) phục vụ công việc. Ảnh: ELIFESTUDENTBLOG
Anh Trần Hùng, người từng xuất sắc trở thành một trong ba đại diện của Việt Nam tham gia chương trình học bổng toàn phần ngắn hạn của ĐH Kyoto (Nhật) 2013, chia sẻ: “Khi ĐH Kyoto tuyển sinh viên học về phát triển an ninh con người và khoa học năng lượng, tôi ưu tiên kể ra những công trình nghiên cứu khoa học tôi làm trong CLB nhà nghiên cứu trẻ của khoa liên quan lĩnh vực phát triển con người, năng lượng tái tạo. Tiếp đó nêu ra các hoạt động viết tập san, kỷ yếu khoa học, tham gia làm cộng tác viên các hội thảo khoa học. Song song nhấn mạnh hoạt động trau dồi ngoại ngữ tại CLB tiếng Anh. Chú trọng quá trình làm việc, sự kết nối, những khó khăn và những kết quả nổi bật. Sau đó mới nói ngắn gọn nhưng đa dạng các hoạt động tình nguyện mang tính cộng đồng”.
Trong khi đó, một ứng viên nộp đơn xin học bổng ngành phát triển học, phát triển con người hay xã hội nhân văn, định hướng làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ… sẽ có lợi thế nếu hồ sơ thể hiện được các hoạt động tình nguyện mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, tuyên truyền bảo vệ môi trường, chăm sóc bệnh nhi tại bệnh viện hay cô nhi viện, xây dựng tiện ích cho người khuyết tật...
Thể hiện tâm huyết cao độ
Rất nhiều ứng viên lúng túng trong việc thể hiện quá trình hoạt động ngoại khóa của mình bởi “Nói gì? Nói thế nào? Nói ít hay nhiều? Nói cái gì trước, cái gì sau?”.
Nhìn một cách tổng thể, khi trình bày các hoạt động ngoại khóa, ứng viên phải thể hiện được ba yếu tố chính. Thứ nhất, ứng viên thật sự có niềm đam mê, mối quan tâm và cống hiến hết mình cho một công việc cụ thể, ưu tiên hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành học.
Thứ hai, ứng viên đã có thể duy trì sự tận tâm một thời gian dài, đồng thời trưởng thành và học được nhiều điều sau những hoạt động ngoại khóa. Ví dụ, khả năng tổ chức và lãnh đạo; quản lý, sử dụng thời gian hiệu quả; có những bài học ngoài sách vở… Lưu ý, mô tả thật kỹ những công việc bạn đã đóng góp sẽ giúp người xem xét có thể định hình ra vai trò của ứng viên.
Thứ ba, nêu ra những cống hiến mà ứng viên cùng những người xung quanh đánh giá là có ý nghĩa nhất thông qua hoạt động ngoại khóa cụ thể. Phần kết quả nên trình bày bằng những từ ngữ đơn giản, khiêm tốn nhưng toát lên được giá trị, ý nghĩa của hoạt động ngoại khóa.
HOÀNG HẢI, Du học sinh tại Nhật
Cân bằng giữa học tập và ngoại khóa Hoạt động ngoại khóa rất quan trọng nhưng kết quả học tập cũng quan trọng không kém. Thế nên quá trình học, ứng viên nhất thiết phải cân bằng giữa học và hoạt động. Kim chỉ nam cho sự cân bằng chính là các yêu cầu cụ thể của loại học bổng mà bạn theo đuổi. Ví dụ, học bổng cần điểm trung bình tích lũy (GPA) là 8.0 trong ba năm cấp 3 (hoặc đại học). Bên cạnh đó ứng viên phải có kỹ năng lãnh đạo, tinh thần hướng về cộng đồng. Trong trường hợp này, ứng viên phải biết cân nhắc sức học trước, sau đó tiếp cận hoạt động ngoại khóa học thuật trước (CLB toán học, hóa học…). Nếu đảm bảo GPA thì chuyển tiếp hoạt động ngoại khóa khác với mức đầu tư thời gian, tâm sức nhiều hơn. “Mẹo” hoạt động ngoại khóa hiệu quả Thành quả hoạt động ngoại khóa không thể có trong thời gian ngắn. Thế nên ứng viên cần có “lộ trình” trong suốt các năm học cơ sở. i) Khi mới bắt đầu quá trình học nên tham gia thử nhiều hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tìm ra hoạt động yêu thích và có khả năng nhất. Bắt đầu sớm sẽ giúp bạn có được các vị trí lãnh đạo. ii) Sau đó hãy sắp xếp việc học và hoạt động ngoại khóa vào thời khóa biểu để cố gắng gắn bó, tận tâm với các hoạt động đã chọn. iii) Tận dụng hiệu quả thời gian rảnh, các kỳ nghỉ như hè, trước tết để tham gia các chương trình hội trại, tình nguyện, công việc làm thêm, dự án xã hội. |