Chiều 16-10, tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 18, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã giải đáp về những băn khoăn hiện nay trong việc HĐND TP thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Thủ Thiêm với tổng vốn hơn 1.500 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
1. Trên mạng, một số ý kiến nói rằng tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có mà tại sao lại lo đi xây nhà hát 1.500 tỉ?
Trả lời câu hỏi này, ông Nhân cho rằng đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Việc đền bù TP vẫn đang làm theo quy trình. Sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thường vụ Thành ủy đã họp nhiều lần chỉ đạo và UBND TP đang xây dựng 11 giải pháp để thực hiện kết luận.
Khi xây dựng xong dự thảo sẽ gặp dân, trao đổi với dân. Sau đó mới ban hành giải pháp. Tiền đền bù cho dân sẽ sử dụng tiền ngân sách và sẽ không đụng gì đến tiền nhà hát cả. Tiền để xây dựng nhà hát là tiền bán đất từ mười mấy năm trước rồi.
Việc xây dựng nhà hát không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm. Hai việc hoàn toàn khác nhau, không vì nhà hát mà hết tiền đền bù cho dân.
2. Nhà hát này phục vụ cho ai?
Trả lời băn khoăn này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng 100 năm trước khi người Pháp họ xây Nhà hát lớn khi dân số thành phố lúc bấy giờ khoảng 100.000 người thôi. Cách đây hơn 100 năm rồi và đến nay chúng ta vẫn sử dụng nhà hát này, chứng tỏ họ có một tầm nhìn xa.
Bây giờ TP.HCM có 10 triệu dân, 5 triệu lao động, cao gấp ba lần năng suất lao động của cả nước. Ngoài ra còn có 100.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP. Việc xây dựng Nhà hát giao hưởng đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân và dần hình thành nhu cầu cho những người chưa có nhu cầu.
Ngoài ra, cũng là để phục vụ nhu cầu giao lưu, hiện nay rất nhiều đoàn văn nghệ quốc tế đến giao lưu cũng không có nhà hát để biểu diễn. Ngoài giao hưởng, ngoài múa ba lê, opera, chúng ta vẫn có thể tổ chức các hoạt động văn nghệ khác ở nhà hát này.
3. Có ai hát, múa được không? Hay không ai dùng?
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhà hát giao hưởng của TP đã được thành lập từ năm 1993 rồi, những ngày đầu tiên chỉ có 20 nghệ si thôi, bây giờ là 200 người. Họ diễn hằng tháng.
Tuy nhiên, đoàn đang phải đi ở trọ. Văn phòng thì dưới nhà hát thành phố, dàn nhạc thì để ở rạp Thanh Vân, còn múa thì tập ở lầu 3 thư viện Khoa học tổng hợp. Ba chỗ này một năm tiền thuê hết 900 triệu đồng ngân sách.
Hiện nay đoàn giao hưởng ca vũ kịch của chúng ta có chương trình giai điệu mùa thu hằng năm trở thành thương hiệu. Bán vé không đủ nhu cầu.
Còn lực lượng văn nghệ có sử dụng hiệu quả nhà hát này có hiệu quả không, ông Nhân khẳng định là có.
4. Có quy hoạch Nhà hát hay không?
Ông Nhân cho biết Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung TP.HCM giai đoạn 2011-2015 có bảy công trình trọng điểm thì trong đó có Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, lẽ ra phải hoàn thành năm 2015.
Qua nhiều kỳ đại hội của TP.HCM cũng đều nhắc đến việc phải xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu, trong đó có nhà hát này.
Nhà hát TP.HCM là nơi "ở trọ" của Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM... Ảnh: HTD
5. Tại sao lại đưa về Thủ Thiêm?
Ông Nhân cho biết lúc đầu mình tính đưa về Công viên 23-9 nhưng ở đó ba đường đều là đường giao thông tiếp cận khó, hơn nữa công viên là của nhân dân nên TP quyết định đưa về Thủ Thiêm, nơi mà ở đó có sẵn 3-4 công trình rồi như trung tâm triển lãm, quảng trường… Nên việc đặt Nhà hát ở Thủ Thiêm là có sự tương thích.
6. Tiền đâu làm nhà hát 1.500 tỉ?
Bí thư Nhân khẳng định trong nhiệm kỳ này, riêng tiền xây trường học và bệnh viện là 34.600 tỉ, gấp 23 lần tiền xây nhà hát, tức chỉ 4,3%. Còn nhà hát chúng ta chờ đợi 25 năm, nếu so với tiền xây dựng trường học và bệnh viện trong ba nhiệm kỳ gần đây khoảng 57.860 tỉ đồng (gấp 38 lần, chiếm 2,6%).
Nếu so với tổng chi ngân sách TP trong ba khóa gần đây thì xây nhà hát chiếm 0,4%. Đây là số tiền không nhỏ nhưng chúng ta đã có kế hoạch cho nó và không phải không quan tâm xây dựng trường học và bệnh viện.
Nhiều bài học từ vụ Nhà hát giao hưởng Từ việc lý giải những băn khoăn trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đưa ra các bài học cần rút ra. “Đầu tiên là nội bộ có thông tin khá đầy đủ nhưng chủ động thông tin cho dư luận thì chúng ta chưa lường hết. Hiểu chưa đầy đủ nên có những băn khoăn” - ông Nhân nói. Giải pháp khắc phục, ông Nhân cho rằng cần kiến nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND TP nên ký kết chương trình phối hợp truyền thông trước và sau các kỳ họp để chủ động nhiều hơn trong thông tin. “Lâu nay có thể làm rồi nhưng chưa có quy chế nên hiệu quả chưa như mong muốn” - ông Nhân nói. Thứ hai là thành lập Trung tâm báo chí. Ba là, bên ngoài cũng có ý kiến cho rằng mình tổ chức phiên họp bất thường chỉ để thông qua dự án này. “Họ không hiểu cái này do luật quy định, nghĩ rằng là gì giấu giếm căng thẳng lắm. Ngoài ra cũng có nhiều thứ chứ không phải riêng dự án này” - ông Nhân lý giải. Theo ông Nhân, xung quanh nhà hát, TP cũng lắng nghe ý kiến nhiều chiều. Trước khi thông qua dự án này đã có những đoàn khảo sát, có lẽ thông tin lúc đó không được báo chí đăng tải nhiều nên cũng còn một số băn khoăn. Do đó, ông Nhân lưu ý cần phải xem lại công tác truyền thông. Trước đó, ngày 8-10, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình của UBND TP về việc xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Thủ Thiêm. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP (từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. |