Đến tham dự buổi ra mắt sách có nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Trần Nhã Thuỵ, nhà thơ Trúc Linh Lan - Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, nhà thơ Lê Thị Kim, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, nhà văn Cao Chiến, nhà thơ Trần Quốc Toàn, nhà thơ Hồ Thi Ca, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà văn Trầm Hương, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trần Mai Hường, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Hoàng Nhân...
Phùng Hiệu chia sẻ về tập thơ của anh.
Điểm chung khiến tập thơ Biên bản thặng dư gây sự chú ý của những người làm văn thơ trong cả nước, nói như nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: “Thơ của Phùng Hiệu đặt trách nhiệm công dân của nhà thơ, người làm thơ rất rõ. Anh là một nhà thơ hiếm hoi thể hiện rõ trách nhiệm công dân đối với đất nước. Phùng Hiệu thẳng thắn nhìn vào thực tế, không e dè đưa thực tế cuộc sống vào thơ, để thơ của mình gắn với đời sống, nhìn vào thời cuộc đất nước”.
Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu phát biểu về Biên bản thặng dư.
Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhận định: “Phùng Hiệu là nhà thơ luôn đau đáu trước thời cuộc. Mỗi khi có sự kiện gì thời sự, anh đều nhanh nhạy phản ánh vào thơ, nhất là những vấn đề chủ quyền, biển đảo đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Anh luôn dấn thân, sống hết sức có trách nhiệm trong vai trò một công dân và một nhà thơ - phẩm chất đang rất cần ở những cây bút hiện nay”.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn và tác giả.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng cùng quan điểm với các đồng nghiệp phía nam về Biên bản thặng dư của Phùng Hiệu. Ông chia sẻ: “Nhà thơ Phùng Hiệu còn là một nhà báo, đó cũng là lý do anh quan sát đời sống này một cách chi tiết, trung thực. Những hình ảnh, con người, sự việc trong thơ Phùng Hiệu trên bề mặt chỉ mang đến cho chúng ta những thông tin xã hội. Nhưng khi những hình ảnh ấy, con người ấy và những sự việc ấy đã được Phùng Hiệu thi ca hóa thì hoàn toàn khác…”.
Các nhà văn nữ chúc mừng Phùng Hiệu.
Để nhận được những nhận xét về chuyên môn như thế, trong thơ của Phùng Hiệu tràn đầy hình ảnh những người công nhân khó nhọc, những đứa trẻ, bà mẹ vất vưởng tồn tại trên lề đường, những phận người mất nhà vì giải tỏa sống bấp bênh trong những khu ở tạm, những con phố ngập nước mà người người lao động vất vả mưu sinh…
Biên bản thặng dư là tập thơ thứ năm của Phùng Hiệu.
Phùng Hiệu chia sẻ: “Trong công việc của mình, tôi đã đi đến nhiều nhà máy, công trường, thấy những người công nhân lao động cật lực vất vả, tăng ca mà không đủ nuôi con. Họ sống ở nhà thuê, lán trại tồi tàn. Tôi đi qua, nhìn thấy trên đường những đứa trẻ thất học, kiếm ăn trên đường phố, những bà mẹ nheo nhóc cùng con sống ở lề đường. Những cảm xúc về hiện thực đó tôi đã giải bày bằng thơ. Mà làm thơ về những điều này, khó hơn làm thơ thi vị về tình yêu quê hương, đất nước nhiều lắm.Cái tên Biên bản thặng dư là tôi muốn nói, giá trị thặng dư - của cải vật chất được làm ra trong xã hội không được trả công cho người lao động tương xứng”.
Được biết Phùng Hiệu sinh năm 1976 tại Đà Nẵng, đã tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật TP.HCM, hiện công tác tại tạp chí Môi Trường Đô Thị Việt Nam và kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Anh cũng đang là chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Bến Nghé - Hội Nhà văn TP.HCM, chủ biên trang Văn chương Phương Nam - diễn đàn của Hội Nhà văn TP.HCM. Biên bản thặng dư là tập thơ thứ năm của anh sau các tập thơ Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Dấu chân biển cả, Trong thế giới ngụy trang.