Tuy nhiên, điều đáng nói mức lãi này không phải là từ giá thế giới giảm mà mức lãi lại đến từ chính quỹ bình ổn giá, do người dân đóng.
Cụ thể, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá xăng A92 theo thị trường Singapore đang ở mức 117,16 USD/thùng. Theo đó, sau khi tính thuế, phí, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, giá cơ sở của 1 lít xăng là 24.740 đồng/lít, tức là DN lỗ 50 đồng/lít. Tuy nhiên, do DN được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu là 200 đồng/lít nên DN lại thành lãi 150 đồng/lít.
Trước đó một ngày, Bộ Tài chính cũng đã công bố chính thức về tình hình trích lập, sử dụng và số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu trong quý I-2014 (từ ngày 1-1 đến hết 31-3). Theo đó, số dư quỹ bình ổn giá tại thời điểm đến hết quý I là trên 842 tỉ đồng.
Có thể nói quỹ bình ổn giá xăng dầu luôn được các chuyên gia kinh tế ví nó như một “con heo tiết kiệm” của người dân. Tức là mỗi lít xăng, người dân lại phải bỏ thêm 300 đồng/lít để đóng vào quỹ này, mục đích nhằm khi giá thế giới biến động, giá trong nước bớt áp lực phải tăng giá theo. Vì vậy với số tiền tiết kiệm này, việc sử dụng nó như thế nào là điều mà không thể làm qua loa được.
“Chúng ta không thể biến tiền tiết kiệm của người dân thành lãi của DN được” - TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế- Luật TP.HCM, đã từng nói.
Không chỉ riêng TS Nguyễn Ngọc Sơn, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đề nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương cần có cơ chế quản lý quỹ bình ổn giá linh hoạt hơn hoặc bỏ quỹ bình ổn giá, tránh việc sử dụng không hợp lý.
Nhẩm tính một phép tính nhỏ, chỉ cần lợi nhuận 150 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá, nếu quy ra với mức tiêu thụ hàng triệu lít/ngày thì có DN có thể đạt mức lợi nhuận lên đến trên 1 tỉ đồng/ngày.
Đây là số tiền không hề nhỏ của người dân lại chảy vào túi DN xăng dầu, liệu điều này có hợp lý?
MAI PHƯƠNG