Bình Chánh kiến nghị gỡ bế tắc dự án treo kỷ lục

Cho phép người dân được chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới; lập tổ công tác rà soát quy hoạch khu Nam TP để kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, giải quyết quyền lợi cho hàng chục ngàn hộ dân; cho phép đội trật tự quản lý đô thị huyện được phép lập biên bản xử phạt hành chính về xây dựng không phép…

Đó là những kiến nghị đáng chú ý của huyện Bình Chánh tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình duyệt nhiệm vụ năm 2021 của huyện Bình Chánh ngày 12-3.

Ông Lê Hòa Bình ghi nhận những vướng mắc của huyện Bình Chánh và
cho biết sẽ cùng Bình Chánh giải quyết. Ảnh: CTV

15.000 dân khu Nam TP bị “treo” nhà đất kỷ lục

Khu đô thị (KĐT) Nam TP có quy mô 2.975 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Bình Chánh, Nhà Bè và hai quận 7, 8 với năm khu A, B, C, D, E. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 865 giao cho Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận thuê đất để liên doanh với nước ngoài xây dựng phát triển năm cụm đô thị trong KĐT mới Bình Chánh - Nhà Bè, Nam TP.

Theo ông Phạm Văn Toàn, Trưởng Ban quản lý KĐT Nam TP, trong 2.975 ha thì phần diện tích nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh khoảng 2.000 ha. Trong đó, đến thời điểm này đã có khoảng 1.000 ha được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Phần còn lại đang trong tình trạng bồi thường dang dở. “Có những dự án đã bồi thường 80%-90%, cũng có những dự án mới chỉ bồi thường dưới 50%” - ông Toàn nói.

Trong khu vực này, riêng dự án Làng ĐH Hưng Long tại xã Hưng Long có quy mô 511 ha hiện nay còn chưa được duyệt quy hoạch, chưa triển khai lựa chọn nhà đầu tư. Ông Toàn cho biết sở dĩ đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 của dự án này đang dậm chân tại chỗ do phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung của TP (hiện nay TP.HCM đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy hoạch chung của TP trình Thủ tướng phê duyệt - PV). Vì vậy, dự án triển khai đã lâu nhưng không thể thực hiện.

“Kiến nghị Sở QH-KT nghiên cứu không chờ TP lập xong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung mới xem xét phê duyệt quy hoạch của khu ĐH Hưng Long mà điều chỉnh cục bộ trong dự án, trình Thủ tướng phê duyệt trước để làm cơ sở phê duyệt đồ án quy hoạch 1/2000 của dự án này” - Trưởng Ban quản lý khu Nam đề xuất.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, toàn dự án khu Nam trên địa bàn huyện Bình Chánh đã ảnh hưởng đến hơn 15.000 hộ dân từ suốt 25 năm kể từ ngày phê duyệt quy hoạch. Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như hợp thức hóa nhà đất, xin phép xây dựng, sửa chữa nhà ở…

Chủ tịch huyện Bình Chánh kiến nghị UBND TP lập tổ công tác rà soát các dự án chậm triển khai để đề xuất xử lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân bị ảnh hưởng. Trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có 95 dự án, gồm 46 dự án trong ranh khu Nam và 49 dự án ngoài ranh. “Kiến nghị TP giao Sở TN&MT xác định các tiêu chí cụ thể để phân loại, xử lý, thu hồi đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện. Nếu không còn đủ khả năng triển khai thì kiến nghị thu hồi” - ông Vượng đề xuất.

Liên quan đến những bất cập trong quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, ông Vượng cũng kiến nghị TP chấp thuận giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp trong quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới để làm cơ sở cấp phép xây dựng cho người dân.

Sẽ họp riêng để giải quyết các dự án khu Nam

Về đề xuất của huyện Bình Chánh, Sở TN&MT cho biết sẽ kiến nghị UBND TP ban hành các tiêu chí để huyện Bình Chánh rà soát và kiến nghị xử lý các dự án chậm triển khai. Riêng vấn đề cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch hỗn hợp và dân cư xây dựng mới, Sở TN&MT cho rằng quy hoạch sử dụng đất chỉ có hai chức năng là đất ở đô thị và đất ở nông thôn. Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng thì có thêm các chức năng như đất hỗn hợp, đất dân cư xây mới, cao tầng, thấp tầng…

“Sở đã có công văn gửi Bộ TN&MT kiến nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các chức năng sử dụng đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới. Tuy nhiên, đến nay bộ chưa phản hồi” - Sở TN&MT cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình ghi nhận những kiến nghị của Bình Chánh, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của một huyện có tốc độ đô thị hóa cao như địa phương này. Ông Bình giao cho các sở, ngành có liên quan chủ động có văn bản trả lời kiến nghị của huyện Bình Chánh theo thẩm quyền. Những trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND TP thì TP sẽ xem xét, giải quyết.

Ông Bình cho rằng đặc điểm, vị trí đặc thù của Bình Chánh là một huyện nhưng có quy mô lớn hơn cả TP Thủ Đức, dân số tới năm 2025 dự kiến khoảng 1 triệu người là thách thức rất lớn. Theo ông Bình, chủ đề năm 2021 của TP là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Ông Bình gợi ý Bình Chánh cần đưa ra chủ đề năm của huyện liên quan đến phát triển đô thị để tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề có liên quan.

Riêng về những bất cập trong quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, ông Bình cho rằng công việc quan trọng của huyện tới đây là rà soát và hoàn thiện quy hoạch. Đồng thời gắn điều chỉnh quy hoạch của huyện và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP tới đây. Với những vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai, xây dựng, ông Bình chỉ đạo huyện Bình Chánh căn cứ vào các quy định hiện hành, có khó khăn thì đề xuất thẳng lên TP để có hướng tháo gỡ, không để người dân phải chờ đợi kéo dài.

Liên quan đến những bất cập, vướng mắc trong quy hoạch khu Nam, ông Bình cho biết sẽ có buổi làm việc riêng với huyện Bình Chánh và Ban quản lý khu Nam cùng các đơn vị có liên quan để tìm giải pháp cụ thể.

Theo báo cáo của huyện Bình Chánh, năm 2020 qua kết luận của các đợt thanh tra, kiểm tra, có 277 công chức, viên chức bị xem xét xử lý. Trong đó có 157 trường hợp bị kỷ luật với các hình thức khác nhau , còn lại phê bình. Có cả những trường hợp buộc thôi việc. 

Diện tích, dân số “khủng”, nhân sự ít

Ngoài những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, tại cuộc họp, ông Trần Hoàng Quân, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, bày tỏ tâm tư khi thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ. Theo ông Quân, những bất cập, vướng mắc của huyện trong quá trình quản lý đất đai, xây dựng ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã mời các sở, ngành đến làm việc để tháo gỡ khó khăn cho Bình Chánh.

Theo ông Quân, Bình Chánh có diện tích 252 km2. Dân số của Bình Chánh đến thời điểm này là gần 750.000 người, ước tính đến năm 2025 sẽ tăng lên gần 1 triệu người. “Từ xã phía nam đến xã phía bắc của Bình Chánh cách nhau đến 50 km. Với một diện tích rộng lớn và khoảng cách di chuyển xa gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ quản lý địa bàn” - Bí thư Bình Chánh nêu.

Ông Quân phân tích thêm, nhiều xã tại Bình Chánh như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên có dân số 130.000-140.000 người. So với mức bình quân của một phường tại TP thì gấp ba lần. Lượng hồ sơ hành chính cũng gấp 4-5 lần, còn phải tinh giản biên chế theo Nghị định 34 thì rất khó khăn cho Bình Chánh.

Đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, địa bàn phức tạp, diện tích quá lớn nhưng hiện chỉ có thanh tra xây dựng mới được lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với hành vi xây dựng trái phép. Vì vậy, huyện Bình Chánh cũng kiến nghị cho phép đội trật tự quản lý đô thị của huyện cũng được lập biên bản để đáp ứng yêu cầu.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Quân kiến nghị riêng với các xã đông dân như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc, Tân Kiên, Bình Hưng… được ký hợp đồng lao động 5-10 người, từ nguồn kinh phí thực hiện không tự chủ ngân sách xã hằng năm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm