Lễ trao Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2021 với chủ đề “Phòng, chống COVID-19 - Sứ mệnh Blouse trắng” sẽ diễn ra vào 19 giờ ngày 26-2 tại Nhà hát lớn TP.HCM.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) và Sở Y tế TPHCM tổ chức giải thưởng nhằm tri ân, vinh danh những giá trị khoa học và những cống hiến của đội ngũ Thầy thuốc vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt 2 năm cả xã hội đối mặt với dịch COVID-19.
Tổng giải thưởng 500 triệu đồng, cúp vinh danh và chứng nhận Thành tựu y khoa Việt Nam 2021.
Hiệu quả của Trung tâm Hồi sức COVID-19 tổng cộng 1.000 giường của BV Hồi sức COVID-19 lọt vào danh sách đề cử Thành tựu Y khoa Việt Nam. Ảnh: NGUYỆT NHI
Từ 15g ngày 15-2 đến hết ngày 20-2-2022, công chúng bắt đầu tham gia bình chọn cho các thành tựu y khoa được đề cử qua 2 cổng thông tin bình chọn:
Cổng 1: Bình chọn qua tin nhắn tổng đài
Cú pháp : TTYK<khoảng trắng>mã số đề cử . Gửi 8136
Cước phí tin nhắn là 1500 đồng/ tin nhắn hợp lệ
Mỗi số điện thoại được nhắn tin bình chọn cho nhiều đề cử, nhưng chỉ được nhắn tin 01 lần cho 01 đề cử.
Cổng 2: Bình chọn qua mạng xã hội Facebook
Tham gia vote cho đề cử yêu thích theo các bước :
Bước 1: Truy cập đường link https://www.facebook.com/groups/ttykvn/
Bước 2: Bấm bình chọn cho đề cử yêu thích
(Mỗi tài khoản có thể bình chọn cho nhiều đề cử)
Kết quả bình chọn cuối cùng sẽ được cộng tổng số tin nhắn bình chọn và số lượt bình chọn trên mạng xã hội.
Dưới đây là danh sách 15 sản phẩm vào vòng bình chọn (theo thứ tự ABC):
1) Cải biên xe vận chuyển hành khách và xe taxi trở thành xe vận chuyển người bệnh COVID-19 của Trung tâm Cấp cứu 115.
2) Hành trình vượt qua “cửa tử” của bé trai 120 kg nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch của BV Nhi đồng TP.
Bé trai 120 kg vượt cửa tử ngoạn mục. Ảnh: BVCC
3) Hiệu quả điều trị phục hồi chức năng và theo dõi người bệnh hậu COVID-19 và ứng dụng Dr. Home của BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM.
4) Hiệu quả của Trung tâm Hồi sức COVID-19 tổng cộng 1.000 giường của BV Hồi sức COVID-19.
5) Mô hình "bệnh viện chị" đi hỗ trợ "bệnh viện em" của BV Nhân dân Gia Định.
6) Mô hình “Tổ Y tế từ xa” của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Bác sĩ BV Phạm Ngọc Thạch tham gia tổ y tế từ xa. Ảnh: PNT
7) Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng của ĐH Y dược TP.HCM.
8) Mô hình “Tổ quân y cơ động tại các trạm y tế lưu động trong bối cảnh COVID-19” của Cục Quân thuộc Bộ Quốc phòng.
Bác sĩ quân y thăm khám F0 tại nhà. Ảnh: NGUYỆT NHI
9) Mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài “1022” của Hội Y học TP.HCM.
10) Nghiên cứu hiệu quả điều trị của thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID-19 tại cộng đồng của ĐH Y dược TP.HCM.
11) Những đóng góp hiệu quả của BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong công tác mở rộng cơ sở thu dung điều trị đáp ứng nhu cầu chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP của BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
12) Phối hợp liên viện và sử dụng ECMO cứu chữa thành công mẹ con sản phụ mắc COVID-19 nguy kịch của BV ĐH Y dược TP.HCM.
13) Thực hiện da kề da và cho trẻ bú mẹ sớm sau sinh ở sản phụ mắc COVID-19 (Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm - EENC - trong và ngay sau sanh thường, sau mổ lấy thai ở sản phụ mắc COVID-19) của BV Từ Dũ.
14) Triển khai chạy thận nhân tạo tại trung tâm cách ly trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của BV Lê Văn Thịnh.
Người bệnh chạy thận tại Khu cách ly quận 2. Ảnh: BVCC
15) Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) - Mô hình nuôi dưỡng và chăm sóc tạm thời trẻ sơ sinh con của thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 nặng sinh ra trong đại dịch COVID-19 của BV Hùng Vương.
Mô hình Trung tâm Hope của BV Hùng Vương. Ảnh: HL