Bình Dương ưu tiên làm nhiều tuyến đường kết nối vùng

Mới đây, Bình Dương tổ chức họp thông qua danh mục công trình, dự án Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Ưu tiên kết nối Đông Nam bộ

Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án quan trọng. Trong đó, tỉnh ưu tiên các tuyến đường giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ.

Công trường dự án trục đường nối các huyện Bắc Tân Uyên - Phú Giáo -
Bàu Bàng (Bình Dương) và huyện Đồng Phú (Bình Phước). Ảnh: LÊ ÁNH

Cụ thể, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành phù hợp với hình thức, nguồn vốn và tiến độ đầu tư của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau khi được Quốc hội thông qua.

Theo ông Trước, việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 phải phục vụ cho thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh. Trong đó, tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án giao thông kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở đó, mới đây UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị HĐND tỉnh thống nhất tỉ lệ vốn dự phòng chung cao hơn mức trung bình chung của cả nước để đảm bảo thực hiện mục tiêu đầu tư các dự án giao thông quan trọng của tỉnh.

Bình Dương dự kiến bố trí hơn 49.562 tỉ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương và trên 2.621 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương cho kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025).

Riêng năm 2022, Bình Dương lên kế hoạch bố trí 8.579 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện 113 dự án về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh chú trọng các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Mới đây, Bình Dương cũng đã khởi công công trình đường liên kết vùng giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Đây là tuyến đường tạo lực đi qua ba huyện của Bình Dương gồm Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đến huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước).

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết việc đầu tư khởi công sớm dự án trọng điểm sau đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hình thành trục giao thông huyết mạch mang tính liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Cần sớm làm các dự án kết nối vùng

Theo Sở GTVT TP.HCM, các dự án mà tỉnh Bình Dương đề xuất tập trung đầu tư như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn... đều rất quan trọng. Trong đó, việc sớm khép kín đường vành đai 3 cần ưu tiên đầu tư hơn cả vì đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn vùng Đông Nam bộ.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Nói về kế hoạch kết nối vùng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết việc kết nối vùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ hiện nay. Trong đó, việc kết nối vùng nghĩa là phục vụ cho cả vùng và ngân sách trung ương cần tập trung đầu tư cho các dự án giao thông ở vùng.

Theo ông Sơn, trung ương và các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ cần tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Trong đó cần tập trung vào đường vành đai 3, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn để kết nối với xa lộ Hà Nội (TP.HCM). Bởi hiện nay tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đã quá tải, đây cũng là tuyến kết nối trực tiếp với xa lộ Hà Nội và kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì vậy, tuyến này cần được các tỉnh khu vực Đông Nam bộ sớm ưu tiên kết nối nhằm mang lại hiệu quả cao cho toàn vùng.

Theo ông Sơn, để mang lại hiệu quả kết nối vùng thì cần lập một tuyến vùng gồm có đại diện trung ương và các lãnh đạo của địa phương cùng thảo luận, có ý kiến. Khi đó, chúng ta cần bàn để thống nhất và làm ngay những dự án mang lại hiệu quả rõ rệt cho kinh tế cả vùng.

“Tất cả cần tập trung đầu tư, tránh tình trạng dàn trải mà không mang lại hiệu quả và đã gọi là hợp tác vùng thì cần xem lợi ích của cả vùng lên trên hết và quyết định các dự án cần ưu tiên đầu tư. Đối với các dự án chỉ phục vụ cho một địa phương thì địa phương đó cần xem xét và làm việc với trung ương” - kiến trúc sư Nam Sơn chia sẻ.•

 

Đề xuất giao Bình Dương làm cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

UBND tỉnh Bình Phước vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ GTVT đề nghị giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước), ngay trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 25.275 tỉ đồng, dự kiến thực hiện theo phương thức PPP, thời gian thu hồi vốn 32 năm.

Hiện nay, phương tiện từ TP.HCM đi qua Thủ Dầu Một (Bình Dương), theo quốc lộ 13 đến tỉnh Bình Phước, tổng quãng đường dài khoảng 120 km. Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được đề xuất triển khai nhằm tăng tính kết nối, nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm