Ngày 12-12 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp khẩn về sự kiện Bình Nhưỡng phóng vệ tinh. Chỉ hai ngày sau khi thông báo kéo dài thời gian phóng vệ tinh để khắc phục trục trặc kỹ thuật, CHDCND Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành phóng vệ tinh.
Theo thông tấn xã KCNA (CHDCND Triều Tiên), sáng 12-12, từ Trung tâm Không gian Sohae, tên lửa đẩy Unha-3 đã đưa phiên bản thứ hai của vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận vệ tinh được phóng đi lúc 9 giờ 51 sáng 12-12. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), quân đội Hàn Quốc xác nhận vụ phóng đã thành công. Ba tầng tên lửa hoạt động tốt, rơi đúng các vị trí Bình Nhưỡng đã thông báo trước đó.
Tổng thống Lee Myung-bak đã nhanh chóng họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia. Ngoại trưởng Kim Sung-Hwan lên án hành động phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên là khiêu khích, vi phạm trắng trợn nghị quyết LHQ và đe dọa sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên và thế giới. Người phát ngôn chính phủ Nhật xác nhận tên lửa bay ngang tỉnh Okinawa và không mảnh vỡ nào rơi xuống lãnh thổ Nhật. Bộ Quốc phòng Nhật đã không chỉ đạo đánh chặn. Nội các đã họp khẩn. Ngoại trưởng Koichiro Gemba cho biết đã phản đối CHDCND Triều Tiên qua kênh ngoại giao và yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt nặng CHDCND Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc xem đài truyền hình đưa tin vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên tại ga tàu điện ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 12-12. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao của Trung Quốc và Nga tuyên bố lấy làm tiếc vì vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên đồng thời kêu gọi CHDCND Triều Tiên tôn trọng các nghị quyết của LHQ.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định bán đảo Triều Tiên như hành động phóng tên lửa mang vệ tinh vừa rồi.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết sẽ triệu tập đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Anh để phản đối.
Hãng tin AP nhận định đây là thành công mang tính lịch sử của CHDCND Triều Tiên. Các chuyên gia đều nhận định chỉ tám tháng sau vụ phóng lần đầu hồi tháng 4 thất bại, Bình Nhưỡng khó lòng hoàn thiện trục trặc kỹ thuật trong khoa học tên lửa. Không ngờ vụ phóng diễn ra đúng kế hoạch!
Dù CHDCND Triều Tiên tuyên bố đây là vụ phóng vệ tinh nhưng các nước cho rằng đây là vụ thử tên lửa trá hình.
Vụ phóng vệ tinh diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, kỷ niệm một năm ngày mất của Chủ tịch Kim Jong-il (ngày 17-12), Tổng thống Obama bắt đầu nhiệm kỳ hai, Trung Quốc vừa thay đổi lãnh đạo, Hàn Quốc chuẩn bị bầu cử tổng thống và Nhật chuẩn bị bầu thủ tướng.
AP nhận định vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên có thể gia tăng cơ hội cho ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (đảng Saenuri) so với đối thủ Moon Jae-in (đảng Dân chủ thống nhất) vì ông Park Geun-hye chủ trương cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cũng sẽ có cơ hội thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Nhật và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Với Trung Quốc, hành động của CHDCND Triều Tiên sẽ gây áp lực với tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong việc cân bằng ứng xử giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ và đồng minh.
Ba tiếng sau khi CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tommy Vietor đã lên án vụ phóng và cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ nhận lãnh hậu quả. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố lên án CHDCND Triều Tiên. |
ĐĂNG KHOA