Chị chỉ là một trong hàng trăm hộ dân ở huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Lộc Ninh… là nạn nhân của việc vay tiền lãi suất cao phải cầm cố, bán vườn điều cho chủ nợ.
Nhức nhối nạn bán điều non
Theo chị Thị B’le, hai năm trước, vợ chồng chị vay hơn 190 triệu đồng của ông Thuận, bà Bé… để đầu tư cải tạo 4 ha điều, với lãi suất 17%/tháng. Trả lãi mấy tháng thì gia đình không còn khả năng thanh toán nên chủ nợ gộp gốc và lãi lên đến gần 500 triệu đồng. Không có tiền, gia đình chị buộc phải giao vườn điều cho chủ nợ thu hoạch để trừ dần trong vòng… 10 năm. Chồng chị B’le, vừa đi làm rẫy thuê về, cho hay: “Ngày nào vợ chồng tôi cũng như ngồi trên đống lửa vì khoản nợ lớn. Chỉ còn mỗi cái nhà cha mẹ để lại là chưa cầm, nó chưa tới 100 triệu đồng nên khoản nợ kia rất khó trả”.
Gần nhà chị B’le, chị Thị Bích cũng rơi vào tình cảnh khốn cùng vì trót vay lãi nặng. Theo chị Bích, năm 2009, chị bệnh nặng nên người chồng đi vay một người tên Huấn 100 triệu đồng. Giờ số nợ lên đến gần 300 triệu đồng nên chị phải cầm rẫy điều cho chủ nợ. Căn nhà tình thương của vợ chồng chị Bích là tài sản duy nhất còn lại của gia đình. “Bốn đứa con mình giờ chưa biết phải kiếm cái ăn cho tụi nó ra sao” - chị Bích nói.
Gia đình chị Thị Bích chỉ còn giữ được căn nhà tình thương còn vườn điều đã giao cho chủ nợ. Ảnh: N.ĐỨC
Còn ông Điểu Tin ở thôn 1, xã Đăk Nhau (huyện Bù Đăng) thì cho hay vì nợ nần nên ông phải bán đứng 3 ha điều non trong vòng một năm với giá hơn 20 triệu đồng để trả nợ vay. Với diện tích điều này, mỗi năm ông thu hoạch ít nhất được 60 triệu đồng “nhưng tôi phải bán nó cho chủ nợ chứ lấy tiền đâu mà trả”. Còn bà Thị Mí (thôn 2, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng) cũng phải cầm rẫy điều cho chủ nợ sáu năm để trừ dần khoản vay 100 triệu đồng…
Theo ông Điểu Tuồng - trưởng thôn Sơn Trung (xã Đức Hạnh), thống kê sơ sơ thôn đã có gần 60 hộ dân vay nợ lãi cao, phải cầm cố vườn cao su, rẫy điều cho chủ nợ. “Do bà con dân tộc nhẹ dạ nên sập bẫy những người cho vay. Những người cho vay lựa nhà nào có vườn điều là họ gạ gẫm cho vay tiền. Họ đưa tiền rồi bảo viết giấy nợ, nếu không trả thì cầm vườn điều. Nhận tiền xong, bà con không biết cách sử dụng cho hợp lý nên số tiền hết rất nhanh. Khi hết tiền, bà con liền bán điều non (điều chưa đến mùa thu hoạch) để lấy vài triệu đồng rồi đi làm thuê kiếm sống”.
Thất học, ly hương vì nợ
389 hộ bán gần 700 ha điều non với giá bình quân là 25 triệu đồng/ha, thời gian bán từ một đến 10 năm. Có 100 hộ sang nhượng đất có nguồn gốc do Nhà nước hỗ trợ. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước |
Tại các xã Bom Bo, Đăk Nhau (huyện Bù Đăng) tình trạng bán non rẫy điều, cầm cố đất cho chủ nợ cũng ngấm ngầm diễn ra. Theo tìm hiểu của phóng viên, do người vay lẫn người cho vay đều giấu giếm. Chỉ khi nào số nợ lên nhiều không trả nổi. Những hộ dân bị tịch thu vườn, nhà cửa thì chính quyền địa phương mới hay.
Những vườn điều đang là mùa thu hoạch nhưng chủ thực sự thì không thể hái quả vì nó rơi gần hết vào tay những người cho vay lãi nặng.
Cơn bão ngầm cho vay nặng lãi đang đeo đẳng những nông dân nghèo, ít học ám ảnh chúng tôi trên đường về.
Làm chứng cũng bị xiết nợ Năm 2007, ông Điểu Giang - già làng thôn Sơn Trung thấy hoàn cảnh gia đình anh Điểu Cường khó khăn nên đứng ra làm chứng việc anh Cường vay 10 triệu đồng của một người tên Huấn ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập với lãi suất 20%/tháng. Anh Cường không có khả năng trả nợ cả gốc lẫn lãi hơn 60 triệu đồng nên chủ nợ kiếm ông Giang “xiết” 1 ha điều (đã tám năm tuổi) để trừ nợ. Ông Giang phải nhờ xã giải quyết mới giữ được vườn điều. _______________________________________________ Tỉnh đã đề nghị các địa phương rà soát những trường hợp mua bán, cầm cố, xiết nợ lấy đất, vườn của đồng bào. Các ngành chức năng phối hợp với địa phương điều tra, phân loại xử lý các hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc đồng bào phải bán điều non, cầm cố đất ở, đất sản xuất… nếu đủ cơ sở thì khởi tố để răn đe. Ông NGUYỄN HUY PHONG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước |
NGUYỄN ĐỨC