Tại Bình Thuận ngày 31-3, ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và chủ tịch các huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các ban ngành trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng từ thời gian 1-1-2014 đến 30-6-2016.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra
Theo kết luận, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện 701 cuộc thanh tra ở 2.461 đơn vị. Đã kiến nghị thu hồi hơn 11 tỉ đồng, hơn 100 ha đất nông lâm nghiệp… Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 7,8 tỉ đồng. 112 tập thể và 115 cá nhân bị kiểm điểm, có 9 vụ được chuyển hồ sơ sang CQĐT.
Về công tác tiếp công dân, kết luận nêu rõ một số đơn vị còn bố trí nơi tiếp dân không đạt yêu cầu, có nơi không niêm yết nội quy tiếp công dân, không công khai thông tin việc tiếp dân của đơn vị mình.
Về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo có đến 34,5% số hồ sơ được kiểm tra không có biên bản làm việc (xảy ra tại các đơn vị Phan Thiết, Đức Linh, Hàm Tân, Sở Tài chính…), thậm chí có đến 29% đơn tố cáo không có văn bản giải trình của người bị tố cáo (tại các sở TN&MT, GTVT, NN&PTNT, huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong...).
Về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, chỉ có duy nhất thanh tra tỉnh còn chưa đơn vị nào thực hiện công khai kết luận thanh tra theo quy định.
Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã có hơn 1.000 trường hợp được chuyển đổi tuy nhiên một số đơn vị việc chuyển đổi chưa đúng đối tượng. Một số đơn vị thực hiện không đúng nguyên tắc, cụ thể là đã chuyển đổi công tác trái với chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhiệm.
Về việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng, trong kỳ báo cáo toàn tỉnh có ba trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 12 triệu đồng.
Về minh bạch, kê khai tài sản, có gần 10.000 người thực hiện hằng năm và có một trường hợp ông Phạm Ngọc Chính, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tánh Linh, bị tố cáo không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập.
Ngoài ra có nhiều bản kê khai chưa đúng quy định. Một số trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng so với lần kê khai năm trước đã không giải trình, có trường hợp giải trình chưa hợp lý. Tuy nhiên những trường hợp trên không tiến hành xác minh theo quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, tại Bình Thuận còn xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu; quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, cá biệt có một số trường hợp dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chưa chính xác, biểu hiện chưa minh bạch.
Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trên thuộc về chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; chủ tịch các huyện, thị, thành phố; giám đốc, trưởng các ban ngành thuộc tỉnh tại 19 đơn vị được Thanh tra Chính phủ trực tiếp kiểm tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch tỉnh Bình Thuận nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm để chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã nêu. Trong đó cần xem xét trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị đã để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, sai phạm.
Được biết Văn phòng Chính phủ cũng đã có đồng ý với kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có biện pháp khắc phục, xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7.
Theo thông báo của Tỉnh ủy Bình Thuận thì năm 2015 ông Phạm Ngọc Chính đã thiếu trung thực, thiếu gương mẫu trong việc kê khai tài sản. Cụ thể, ông Chính có sáu lô đất có “giấy đỏ” nhưng chỉ kê khai có ba lô đất. Đáng lưu ý, gia đình ông Chính đã mua đất lâm nghiệp nguồn gốc do lấn chiếm trái phép mà có. Ngoài ra, ông TNP (em vợ ông Chính), một bị án trong vụ phá rừng Tánh Linh (đã chấp hành xong hình phạt tù) khai thác đất lâm nghiệp trái phép lấn với diện tích 8,2 ha tại Tánh Linh. Sau đó ông P. bán cho ông Chính và ông Chính đứng tên 3 ha, còn hai con ruột ông Chính thì mỗi người đứng tên 2 ha. Trước các sai phạm nghiêm trọng này, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định không cơ cấu ông Chính vào cấp ủy địa phương… |