Quy tụ tiếng hát cây nhà lá vườn do các bác sĩ TP.HCM hát để quyên góp những suất cơm cho bệnh nhân nghèo, học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo và mua thẻ BHYT, trả viện phí cho người nghèo đã diễn ra tại quán cà phê Basala (32H Hồ Hảo Hớn, quận 1). Khác với thường lệ, không chỉ được thưởng thức các ca khúc trữ tình, khán giả còn có dịp nghe BS Trần Hoàng Út, khoa Hồi sức chống độc BV Nhi đồng 1, tư vấn về căn bệnh tay-chân-miệng (TCM) đang vào mùa cao điểm.
Bản thân BS Út cũng là một cây saxophone quen thuộc của chương trình đêm nhạc. Không chỉ trình chiếu các slide hình ảnh, BS Út còn sưu tầm các video trẻ ngủ giật mình, rung giật nhãn cầu giúp phụ huynh hình dung rõ hơn dấu hiệu của bệnh. BS Út chia sẻ: “Nhiều phụ huynh thắc mắc với tôi con tôi không đi nhà trẻ, không chơi với trẻ khác, ở nhà người lớn giữ thôi sao vẫn mắc bệnh. Tôi xin nói luôn đó là lỗi của người lớn, đi sinh hoạt ngoài cộng đồng, tay chân dính virus TCM mà không biết, về không rửa tay cầm tay con cháu, cầm đồ chơi của bé khiến virus truyền sang con...”.
BS Trần Hoàng Út chia sẻ về bệnh TCM tại đêm nhạc mới đây. Ảnh: HL
Sau khi nghe BS Út trình bày, nhiều câu hỏi đã được gửi đến BS Út mong giải đáp như: “Con tôi đã từng bị TCM thì liệu có bị lại không, lần sau bị nữa thì có nặng không?”, “người lớn thì có mắc TCM không?”, “làm cách nào phân biệt loét do nhiễm trùng với loét do bệnh TCM”, “phân biệt bóng nước bệnh trái rạ với TCM”... Sau khi nghe bác sĩ giải thích virus TCM có nhiều loại, trẻ đã mắc TCM có thể bị lại, chị Lương Thị Tường Loan (ngụ quận Bình Thạnh) có con nhỏ ba tuổi cho biết: “Tôi thường xuyên tham dự đêm nhạc từ thiện do bác sĩ tổ chức vào cuối tuần để thư giãn và ủng hộ. Nay chương trình có lồng thêm tư vấn y khoa rất bổ ích. Chủ đề bệnh TCM bà mẹ có con nhỏ đi nhà trẻ như tôi rất quan tâm, lo lắng, nhất là vào mùa dịch”.
Bản thân là một cô giáo dạy trẻ, chị Trần Thị Minh Hồng (Trường Mầm non 6, quận Bình Thạnh) cho biết buổi tư vấn y khoa của bác sĩ không thừa khi chị được hiểu sâu hơn về căn bệnh và ôn kiến thức phòng bệnh, cập nhật thêm cho gia đình, phụ huynh, nhà trường. “Lúc trước tôi cứ nghĩ người lớn sức đề kháng mạnh nên không mắc bệnh này, nay tôi mới biết là người lớn cũng có thể mắc bệnh, không phòng ngừa tốt có thể lây cho các bé” - chị Hồng chia sẻ.
Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, chủ nhiệm quỹ thiện nguyện “Trái tim trên tường”, cho biết chương trình đêm nhạc blouse trắng diễn ra khoảng hai tuần một lần, không bán vé, khán giả đến thưởng thức nhạc, trả tiền nước cho chủ quán, đóng góp tùy lòng hảo tâm. Ý tưởng lồng ghép tư vấn y khoa với đêm nhạc đã được ấp ủ từ hơn một năm trước xuất phát từ việc nhận thấy mỗi đêm nhạc quy tụ đầy đủ bác sĩ của các chuyên khoa. Mỗi đêm nhạc sẽ dành 30 phút để tư vấn y khoa với các chủ đề khác nhau theo từng chuyên khoa như cơ xương khớp, mắt, chăm sóc trẻ sơ sinh, trầm cảm... Chủ đề tư vấn có thể thay đổi tùy theo sự quan tâm của cộng đồng. Khán giả không đến nghe có thể đặt câu hỏi trực tiếp qua Facebook Group Trái tim trên tường hoặc đêm nhạc “Blouse trắng - Hát cho yêu thương”.