Những ai theo dõi trang facebook "Huỳnh Tuấn Kiệt" chắc hẳn sẽ ít nhiều xúc động với bộ ảnh "Mưu sinh một kiếp người" miêu tả những cảnh đời mưu sinh cơ cực trong cuộc sống thường nhật. Trang facebook này cũng chính là của bác sĩ (BS) Huỳnh Tuấn Kiệt (29 tuổi, quê Long An), hiện công tác tại Khoa hồi sức cấp cứu thuộc Trung tâm y tế Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
Anh Huỳnh Tuấn Kiệt hiện là bác sĩ đa khoa công tác tại Khoa hồi sức cấp cứu thuộc Trung tâm y tế Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: NVCC |
Tâm sự về việc chọn lưu lại những khoảnh khắc cơ cực của người dân lao động nghèo, anh Kiệt cho biết từ ngày còn học ở trường cấp 3, anh đã thích chụp ảnh. Thế nên, sau khi thi đỗ và trở thành bác sĩ, hai năm nay anh tiếp tục dành thời gian cho đam mê của mình.
Những bức ảnh của bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt đa số được lưu lại bằng chiếcđiện thoại của mình. Ảnh: NVCC |
Có tuổi thơ khó khăn, anh Kiệt dễ dàng đồng cảm với hoàn cảnh người lao động nghèo. Anh Kiệt bồi hồi nhớ lại: “Tôi xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả, tuổi thơ tôi chứng kiến đợt lũ lớn năm 2000 tại Đồng bằng sông Cửu Long gây nhấn chìm ngôi nhà đơn sơ của gia đình mình. Cùng cha mẹ trải qua những ngày tháng cơ cực theo cơn nước, tôi có phần đồng cảm với số phận của những người dân lao động nghèo. Việc lưu lại những khoảnh khắc đó cũng là để nhắc nhở bản thân tôi luôn cố gắng và trân trọng những gì mình đang có".
Dáng người phụ nữ mua ve chai gầy gò, khắc khổ để lại trong trong chàng bác sĩ miền Tây nhiều sự xúc động. Ảnh: NVCC |
Bức ảnh để lại trong anh nhiều xúc cảm nhất có lẽ là khoảnh khắc gầy gò của người phụ nữ mua ve chai đang lúi húi đẩy chiếc xe đầy nhựa, ve chai của mình dưới trời mưa lất phất. Theo lời anh Kiệt, hoàn cảnh của cô vô cùng khó khăn, nguồn kinh tế chính của gia đình dựa vào việc đi nhặt ve chai của mình để chăm lo cho người mẹ già không còn sức lao động. “Vừa bấm xong tấm ảnh, nhìn hình ảnh lam lũ của người phụ nữ ấy, lòng tôi nặng trĩu” – anh Kiệt xúc động nói.
Bức ảnh về 2 em bé bán vé số là con một gia đình di dân Việt Nam-Campuchia. Ảnh: NVCC |
Một lần khác, anh bắt gặp 2 em bé bán vé số là con một gia đình di dân Việt Nam-Campuchia. Ngày trước cả nhà sống ở Biển Hồ, nhờ được hỗ trợ đã quay về quê hương. Thế nhưng, cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên hằng ngày các em đều đi bán vé số phụ giúp gia đình. Xong xuôi, tối đến các em trở về nhà học tìm con chữ.
Bức ảnh một người phụ nữ ra đồng chăn trâu giữa nắng gắt trong bộ ảnh "Một kiếp mưu sinh". Ảnh: NVCC |
Tất cả những khoảnh khắc đó đều được chàng trai ghi lại lúc trên đường đi làm, những ngày ra trực, hoặc ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, chàng bác sĩ trẻ cũng thường xuyên lưu lại những bức ảnh phong cảnh quê hương mình.
Việc chụp ảnh vừa là đam mê cũng cách để chàng bác sĩ xua tan đi những căng thẳng sau giờ làm việc. Ảnh: NVCC |
Qua bộ ảnh "Mưu sinh một kiếp người", anh Kiệt mong muốn gửi gắm thông điệp rằng mỗi cá nhân hãy luôn có thái độ tôn trọng bất kỳ nghề nghiệp nào trong xã hội, miễn là họ kiếm được những đồng tiền từ chính sức lao động của họ.