Cụ thể, BHXH Việt Nam cho biết từ 1-1-2016 đến 1-1-2017 tính đóng BHXH theo mức lương, phụ cấp ghi trong hợp đồng.
Trong đó, phụ cấp lương được hiểu là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đủ.
Cụ thể, yếu tố điều kiện lao động (có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm), yếu tố phức tạp (thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng...).
Những khoản sẽ không được cộng vào lương để tính BHXH gồm: tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ…
Từ 1-1-2018, doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH dựa trên nền cũ cộng thêm cả các khoản phụ cấp khác. Các khoản phụ cấp khác được hiểu là ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ người kết hôn...
Liên quan đến việc từ năm 2018 mức đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết lộ trình đặt ra như vậy nhưng nếu doanh nghiệp quá khó khăn thì Bộ sẽ xem xét giãn lộ trình này. "Thực tế, đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập sẽ làm tăng chi phí lớn cho doanh nghiệp. Như vậy Bộ sẽ phải đặt câu hỏi nếu mình áp dụng đúng thời điểm thì liệu có khả thi không. Về vấn đề này phải xem xét nhiều khía cạnh để đưa quyết định..." - ông Huân nói.
Ông Huân cũng cho biết trong những ngày tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cố gắng ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHXH năm 2014 nhưng nếu không kịp thì các cơ quan thực hiện thu theo quy định cũ. "Việc này Bộ đã bàn với BHXH, những cái nào chưa có hướng dẫn thì sẽ tạm thu. Cụ thể, trong quý I thu trên nền cũ nhưng mức thấp nhất không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đó, bắt buộc trong quý I, doanh nghiệp phải có thang bảng lương và sau khi đăng ký xong, cơ quan chức năng sẽ tính toán giữa hệ thống lương và khoản tạm thu để buộc doanh nghiệp đóng đủ..." - ông Huân nói.
Ông Huân cho rằng việc thay đổi việc đóng BHXH thực sự là cuộc cách mạng giúp người lao động về già được hưởng lương cao hơn. "Tôi đi nước ngoài họ bảo tại sao Việt Nam lại có hệ thống an sinh mỏng manh như vậy, các ông nghĩ như thế nào. Thực sự câu hỏi họ khiến tôi rất buồn và lần này chúng ta đã làm được..." - ông Huân nói và khẳng định người dân không lo sợ vấn đề trượt giá sau khi về già hưởng lương hưu. Bởi Nhà nước hằng năm luôn có điều chỉnh tăng lương để người dân lúc về già có cuộc sống tốt nhất. Tất cả chính sách này là vì người dân.
Cũng tại hội nghị, nhiều người lo lắng về doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động, vì mức đóng cũ (dựa thang bảng lương) doanh nghiệp đã trốn đóng rồi, nếu tăng đóng BHXH liệu doanh nghiệp có "tung" ra các "chiêu" khác nhằm trốn đóng BHXH không.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết việc ngăn chặn doanh nghiệp tìm cách “lách” các khoản tính đóng bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào công tác thanh tra. Đặc biệt, từ năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ có thêm nhiệm vụ thanh tra việc đóng bảo hiểm. Ngoài ra, hiện việc trốn đóng, lạm dụng tiền đóng BHXH của các đơn vị đã được Bộ luật Hình sự quy định, nếu vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên sắp tới chắc chắn sẽ hạn chế được việc trốn, chậm đóng BHXH.
Trốn đóng BHXH bị phạt bảy năm tù Theo đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ sáu tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù 2-7 năm. |