Bộ Tài chính mới đây đã trình Thủ tướng hai phương án xử lý việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (CSXH).
Theo Bộ Tài chính, bảy năm qua, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ CSXH dù góp phần giảm bớt khó khăn cho một bộ phận hộ nghèo, hộ CSXH trong giai đoạn 2011-2013, tuy nhiên đến nay chính sách này cũng giảm dần và không còn phù hợp với thực tế.
Mặt khác, thời gian qua, nhà nước cũng đã ban hành khá đầy đủ các chính sách an sinh xã hội với mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho các đối tượng hộ nghèo, hộ CSXH. Đồng thời, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2020 đã có định hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện.
“Chính sách này gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo và tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo…”, Bộ Tài chính nêu.
Vì thế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng hai phương án hỗ trợ tiền điện giai đoạn 2019-2020.
Phương án 1 của Bộ Tài chính là “bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ CSXH”. Bộ Tài chính lý giải do đây là chính sách hỗ trợ cho không, mức hỗ trợ thấp (51.000 đồng/hộ/tháng), không gắn với diều kiện để khuyến khích sự tích cực chủ động tham gia sản xuất, tăng thu nhập của người nghèo và không phù hợp với định hướng giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Nếu thực hiện phương án này, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì trình Thủ tướng ban hành quyết định bãi bỏ chính sách hồ trợ tiền điện. Các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp.
Còn phưong án 2 là “tích hợp chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ CSXH”, đồng thời đề nghị Thủ tướng cho phép bổ sung nguồn lực năm 2019-2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện. Trong trường hợp này, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững, trình Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện tích hợp chính sách hô trợ tiền điện vào CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Bộ Tài chính cũng cho hay, có tới 41/53 địa phương đồng ý bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ CSXH, chỉ có 12 địa phương đề nghị tích hợp vào phương án giảm nghèo. Còn Bộ Công Thương không lựa chọn phương án nào trong hai phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, nhưng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tích hợp chỉnh sách hồ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ CSXH với các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo khác để đảm bảo chính sách ưu đãi của nhà nước đối với đối tượng này.
Cuối cùng, Bộ Tài chính trình Thủ tướng “bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiên điện cho hộ nghèo, hộ CSXH”. Theo Bộ Tài chính, đây là chính sách hỗ trợ cho không, mức hỗ trợ thấp, không gắn với điều kiện để khuyến khích sự tích cực chủ động tham gia sản xuất, tăng thu nhập của người nghèo và không phù hợp với định hướng giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Nếu đề xuất này được đồng ý, Bộ Tài chính đề nghị từ 1-1-2019, việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ CSXH có hiệu lực.
Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện.