Chiều 25/11, Bộ TN&MT phát thông cáo báo chí, lên tiếng về thông tin xả khí thải tại lò thiêu kết của Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Theo Bộ này, sau sự cố môi trường biển miền Trung, Bộ trưởng TN&MT chỉ đạo tổ giám sát liên ngành phối hợp chặt chẽ với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các cơ quan khoa học cùng tỉnh Hà Tĩnh giám sát thường xuyên, liên tục quá trình thực hiện các hạng mục bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.
Hệ thống ống khói tại các lò thiêu kết của Formosa đang xả thải vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam nhiều lần. Ảnh: Zing
Việc kiểm soát môi trường tại Formosa Hà Tĩnh đang được lực lượng chức năng thực hiện thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và hoạt động quan trắc chất thải định kỳ hàng ngày. Các số liệu quan trắc tự động, liên tục khí thải đều được theo dõi và truyền số liệu về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường.
Các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xử lý khí thải tại xưởng thiêu kết đã được Bộ TN&MT xác định đầy đủ và Bộ trưởng đã yêu cầu FHS có kế hoạch khắc phục, đảm bảo các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của FHS phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của quốc tế.
"Như vậy, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của FHS không liên quan đến việc nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam hiện nay", Bộ TN&MT khẳng định.
Bên cạnh đó, FHS đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 6/2019.
Trong thời gian lắp đặt các thiết bị này, Bộ TN&MT cũng đã yêu cầu FHS kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu sạch để không làm phát sinh chất ô nhiễm ra môi trường.
Việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm đang được Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Riêng tại xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại,… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và NOx cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT.
Bộ này cho rằng việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là nhằm tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải.
Để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu FHS thực hiện nghiêm túc Kế hoạch khắc phục nêu trên theo đúng tiến độ.