Sáng 16-11, bên hành lang Quốc hội trong ngày chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với báo chí về đề án 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 TS được công luận quan tâm mấy ngày qua.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Tỉ lệ TS ở ta hiện nay khoảng 21%, như vậy là quá thấp nên phải nâng tỉ lệ này lên. Theo Đề án 911 là phải 35%. Nếu với 9.000 TS như trong đề án thì cũng mới chỉ đáp ứng được 30%”.
. Phóng viên: Vậy đây là lý do để Bộ GD&ĐT đào tạo thêm 9.000 TS với kinh phí 12.000 tỉ đồng?
+ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 9.000 TS này cũng không phải là đào tạo mới tinh và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa từ Đề án 911, trong đó tập trung rất sâu vào việc thu hút các TS đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho cácTS làm việc tốt, đặc biệt là với các TS kiêm nhiệm. Hiện nay số TS kiêm nhiệm vào khoảng 10.000.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Tỉ lệ tiến sĩ ở ta hiện nay quá thấp". Ảnh: CHÂN LUẬN
Do vậy hiện nay có rất nhiều nguồn TS. Ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường đại học để cống hiến. Đồng thời đào tạo các thạc sĩ. Chứ không phải đào tạo tràn lan.
Thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Chúng ta không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
. Vậy chúng ta kiểm soát, siết chặt chất lượng đào tạo TS ở các cơ sở đào tạo như thế nào?
+ Có chứ, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế đào tạo TS và có lộ trình siết chặt. Lúc đầu nhiều cơ sở đào tạo cũng rất lo ngại những cũng phải chấp nhận. Theo lộ trình thì TS phải có ít nhất một năm học chuyên và phải có bài báo đăng. Như vậy cách tiếp cận này thì cơ sở đào tạo dần tiến tới tự chủ và có trách nhiệm chia sẻ thì họ sẽ có trách nhiệm.
Chứ không phải đào tạo tràn lan.
. Có ý kiến cho rằng kinh phí đào tạo TS ở Việt Nam hiện nay rất thấp, trong khi kinh phí đào tạo TS ở nước ngoài rất cao, có thể trên 1 tỉ đồng. Bộ có điều chỉnh cái này trong thời gian tới không?
+ Đúng thế, chúng ta phải điều chỉnh. Đành rằng người đi học TS là tính đến lợi ích sau này và phải hoàn thành trách nhiệm. Nhưng những người giỏi thì lại có rất nhiều cơ hội có học bổng. Chúng ta muốn những người giỏi đi học TS và Nhà nước đứng ra để hỗ trợ thì cũng phải tính một mức nào đó. Dĩ nhiên có thể mức hỗ trợ không bằng các học bổng khác nhưng cũng phải đáp ứng nhu cầu của họ và tính đến chuyện phát triển tiếp.
Định mức này thì Bộ đã làm việc với Bộ Tài chính và sẽ tính toán làm sao để suất đào tạo TS phù hợp với từng vùng, từng miền. Nhưng hướng tới của Bộ GD&ĐT hiện nay là có nhiều cơ sở đào tạo rất tốt, khuyến khích liên kết với nước ngoài để giám định chất lượng, cùng hướng dẫn. Mô hình đào tạo như vậy là không nhất thiết phải gửi tất cả ra nước ngoài.
Như vậy, đề án 9.000 TS không phải là đề án mới, mà là thay đổi và nâng cao chất lượng của Đề án 911 trước đây.
. Xin cảm ơn Bộ trưởng.