“Việc Tiên Lãng vừa rồi xảy ra rất đáng tiếc và là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng tôi, cho những đồng chí làm trong lĩnh vực công tác quản lý tài nguyên, môi trường này, trong lĩnh vực đất đai”. Đó là lời trần tình của Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại phiên trả lời chất vấn sáng 13-6 khi các đại biểu (ĐB) QH truy trách nhiệm về những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thời gian gần đây…
“Mời ĐB đến Bộ để trao đổi sau”
Đề cập trực tiếp về các vụ việc đất đai nổi cộm trong thời gian qua như vụ ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Cần Thơ, Vụ Bản (Nam Định)…, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) và Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết ông đã trực tiếp đi kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và xử lý vi phạm ở đó thế nào, kết quả đến đâu?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết đây là những vụ việc rất đáng tiếc. Quan điểm của Bộ là các vụ việc phải được giải quyết trên cơ sở những quy định của pháp luật. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đến đâu, đúng sai thế nào phải được làm rõ; trách nhiệm của người sử dụng đất như thế nào, của tổ chức, cá nhân sử dụng đất v.v... tất cả vấn đề này phải làm rõ và giải quyết trên cơ sở pháp luật chứ không có cách nào khác cả.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Không thỏa mãn với câu trả lời có phần chung chung của Bộ trưởng Quang, bà An chất vấn lại: “Theo luật thì đương nhiên vụ nào cũng giải quyết theo luật. Nhưng tôi muốn biết trong vụ việc đất đai cụ thể giải quyết theo luật thì ai đúng, ai sai. Nếu không có gì bí mật đề nghị đồng chí có thể công bố, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”.
“Chị An hỏi như thế cũng rất khó” - ông Quang nói và “xin khất”: “Tại đây, tôi không có thời gian trình bày lại các kết luận đó. Nếu chị An cần thì mời chị An đến Bộ hoặc chúng tôi có thể đến gặp chị An để trao đổi cụ thể thì sẽ phù hợp hơn”.
“Thảm đỏ” cho DN, “thảm gai” cho nông dân!
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) và Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cùng chất vấn: Bộ TN&MT có những giải pháp cụ thể gì để giải quyết những bức xúc của cử tri hiện nay về việc bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất? Bởi lẽ những bất cập trong lĩnh vực này đã và đang gây bức xúc cho cử tri cả nước và là một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền.
Thừa nhận thực trạng bức xúc trên, ông Quang cho biết nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do khi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tổ chức để tái định cư thu hồi đất chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng. Mặt khác cũng chưa giải quyết thỏa đáng lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người sử dụng đất. Ngoài ra, giá đất tính bồi thường còn thấp. “Chúng ta cũng chưa chú trọng đến vấn đề có quy định bắt buộc để xây dựng khu tái định cư trước khi thu hồi đất, chưa chú trọng trong việc tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người có đất bị thu hồi. Năng lực và đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cũng có mặt hạn chế nhất định” - ông Quang nói.
Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), những năm qua, đa số các địa phương đều thực hiện chủ trương trải “thảm đỏ” cho DN và các nhà đầu tư. Nhưng sau khi có “thảm đỏ” nhà đầu tư lại trải “thảm gai” cho nông dân. “Bây giờ phải có một cơ chế chính sách như thế nào để đảm bảo quản lý thống nhất và hạn chế đến mức tối đa sự lãng phí tài nguyên đất đai của quốc gia?” - ông Nam đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Quang cho rằng chúng ta có bài học khá rõ, chúng ta kêu gọi các nhà đầu tư vào nhưng có thể họ chỉ làm một số việc, ví dụ họ thuê đất để chủ yếu lắp ráp công nghệ là chính. “Bây giờ cần phải có một quy định chặt chẽ hơn để khi các nhà đầu tư vào thì họ phải sử dụng đất với tinh thần tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ để có những văn bản quy định cụ thể hơn, khắc phục tình trạng này” - ông Quang hứa.
Thủy điện đồng hành cùng… nghèo đói? Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, ở khu tái định cư thủy điện Hòa Bình đến nay đã gần 40 năm nhưng vẫn còn gần 50% hộ nghèo, hơn 30% hộ cận nghèo. Ở thủy điện Bản Vẽ - Hà Tĩnh trên 89%, tại nhiều xã miền núi tỉnh Phú Yên nơi có nhiều công trình thủy điện tỉ lệ hộ nghèo trên 60%, có xã trên 80%. Đây không chỉ vấn đề trước mắt mà còn là một thực tế lâu dài. Người dân ở những vùng có triển khai dự án thủy điện đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp hỗ trợ tái đầu tư thỏa đáng để giúp người dân trong vùng dự án sớm có điều kiện ổn định cuộc sống. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thủy điện, chúng ta đã lấy đi một diện tích rừng lớn nhưng nghĩa vụ trồng lại rừng của các thủy điện lại ít được chú trọng. Công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy thủy điện cũng không được thực hiện một cách nghiêm ngặt dẫn đến nhiều dòng sông chết xuất hiện, hệ sinh thái bị tổn hại nghiêm trọng. Thực tế này góp phần làm cho những tổn hại của thiên nhiên như nắng hạn, bão lũ càng trở nên dữ dội, gây thiệt hại lớn cho người dân. ĐB NGUYỄN THÁI HỌC (Phú Yên) Khiếu nại, tố cáo về đất đai tăng cao Tổng Thanh tra Chính phủ HUỲNH PHONG TRANH Đảm bảo lợi ích của người dân Do đó, để khắc phục, Bộ Xây dựng đang soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ và trình QH phê duyệt, đặc biệt là nghị định về phát triển đô thị. Trong đó, nội dung đáng chú ý là lập lại trật tự trong phát triển đô thị, đồng thời tiết kiệm các nguồn lực, đặc biệt là đất đai. Ngoài ra, phải đảm bảo lợi ích, phân bố lợi ích gồm lợi ích Nhà nước, lợi ích của DN, nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng dân cư. Chỉ khi nào lợi ích của người dân được đảm bảo thì chúng ta mới thực hiện dự án. Bộ trưởng Bộ Xây dựng TRỊNH ĐÌNH DŨNG |
THÀNH VĂN