Bộ Chính trị vừa ban hành Quyết định số 214 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Theo đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về tổ chức bộ máy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có Giám đốc và không quá 5 Phó Giám đốc; Giám đốc Học viện do Bộ Chính trị phân công; các Phó Giám đốc do Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc theo chế độ thủ trưởng. Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Học viện và tổ chức, điều hành công việc của Học viện; Phó Giám đốc Học viện giúp Giám đốc thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc Học viện.
Hội đồng Lý luận Trung ương có Chủ tịch là Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoặc người phụ trách công tác lý luận của Đảng do Bộ Chính trị phân công và không quá 5 Phó Chủ tịch do Ban Bí thư xem xét, quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng. Trong đó, một Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một Phó Chủ tịch là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiêm nhiệm.
Lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trong đó Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm chung, các Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực cụ thể do Chủ tịch Hội đồng phân công.
Cơ quan Hội đồng Lý luận Trung ương đặt tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Về cơ cấu tổ chức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 9 vụ, đơn vị chức năng. Gồm, Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Quản lý đào tạo, bồi dưỡng; Vụ Quản lý khoa học, Vụ Các trường chính trị; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Ban Thanh tra; Văn phòng Học viện và Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số.
Học viện có 9 viện nghiên cứu, giảng dạy: Triết học; Kinh tế chính trị học; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; Lịch sử Đảng; Xây dựng Đảng; Kinh tế - Xã hội và Môi trường; Chính trị và Quan hệ quốc tế; Nhà nước và Pháp luật; Quyền con người; Văn hoá và Phát triển; Lãnh đạo học và Hành chính công; Dân tộc và Tôn giáo; Thông tin khoa học.
Ngoài ra, Học viện còn có Tạp chí Lý luận chính trị và Nhà xuất bản Lý luận chính trị
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 6 học viện trực thuộc, gồm: Học viện Chính trị khu vực 1 (đặt tại Hà Nội); Học viện Chính trị khu vực II (đặt tại TP.HCM); Học viện Chính trị khu vực III (đặt tại Đà Nẵng); Học viện Chính trị khu vực IV (đặt tại Cần Thơ); Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đặt tại Hà Nội) và Học viện Hành chính và Quản trị công (trụ sở chính đặt tại Hà Nội, 1 phân hiệu đặt tại TP.HCM và 1 phân hiệu đặt tại tỉnh Quảng Nam).
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do Giám đốc Học viện quyết định.
Tổng số lượng cấp phó của các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không quá 90 người, số lượng cụ thể của mỗi đơn vị do Giám đốc Học viện quyết định.
Theo quyết định vừa được ban hành, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xác định số lượng biên chế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức Học viện; đồng thời, thực hiện nghiêm nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thực hiện chế độ cộng tác viên và hợp đồng lao động theo quy định.
Về tài chính, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; cho chủ trương đầu tư cơ sở vật chất và tài chính, ngân sách cho hoạt động trung hạn và dài hạn của Học viện. Trên cơ sở đó, Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
Theo quyết định vừa được ban hành, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ các Hội đồng lý luận, khoa học của Trung ương; sáp nhập Học viện Hành chính. Qua đó, giảm 21 đầu mối cấp vụ, từ 54 đầu mối trước khi sáp nhập xuống còn 33 đầu mối cấp vụ sau sáp nhập.