TP.HCM sẽ có 6 thành phố trực thuộc

(PLO)- Quy hoạch chung xác định TP.HCM là đô thị đặc biệt gồm đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc là TP Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh nâng cấp lên TP gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1711 phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, phần lãnh thổ đất liền, toàn bộ diện tích TP.HCM là 2.095 km2, bao gồm TP Thủ Đức và 21 đơn vị hành chính cấp quận, huyện.

Một đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc

Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, TP.HCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là TP có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại- dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.

TP.HCM hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là TP có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

P2-anhchinh.jpg
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, TP.HCM sẽ có 6 thành phố trực thuộc. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và Vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.

Đáng chú ý, về phương án quy hoạch hệ thống đô thị nêu rõ đến năm 2030 tiếp tục phát triển TP.HCM là đô thị đặc biệt bao gồm một khu vực đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc, gồm TP Thủ Đức là đô thị loại I và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên TP (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, cần Giờ).

Quy hoạch cũng đề cập đến việc hình thành không gian phát triển mới cho TP thông qua việc quy hoạch, xây dựng không gian ngầm, không gian nước, không gian số. Triển khai quy hoạch, xây dựng không gian ngầm trên địa bàn TP trong quá trình quy hoạch đô thị.

Không gian TP được tổ chức theo định hướng đa trung tâm, đa chức năng và hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ với mô hình TP trong TP.

Cạnh đó, phát triển phù hợp các vùng đệm, vùng sinh thái giữa các đô thị và các đô thị với khu vực đô thị trung tâm. “Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình TP đa trung tâm, gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (Đô thị sinh thái biển)”- quy hoạch nêu rõ và nêu mục tiêu đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP.HCM theo mô hình TP đa trung tâm.

5 khu vực có vai trò “động lực”

Liên quan đến phương án phát triển các khu chức năng và các khu vực có vai trò động lực, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do (quy mô khoảng 1.000-2.000 ha tại Cần Giờ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái, khi có đủ điều kiện theo quy định.

Trung tâm tài chính quốc tế dự kiến bố trí tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (diện tích khoảng 100-200 ha) và phần trung tâm quận 1 ven sông Sài Gòn.

Các khu vực có vai trò động lực bao gồm năm khu. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm (các quận) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại, dịch vụ tài chính, du lịch.

tp-hcm-se-co-6-thanh-pho-truc-thuoc-2.jpg
Quy hoạch chung xác định TP.HCM là đô thị đặc biệt gồm đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc trong đó có Cần Giờ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Khu vực TP Thủ Đức là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao. Khu vực phía Nam (quận 7 và huyện Nhà Bè) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái.

Khu vực huyện Cần Giờ tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo. Thứ năm là khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi là khu vực ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, logistics; đô thị sinh thái kiêm kinh tế.

Phê duyệt quy hoạch cũng nêu rõ phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng của TP.HCM với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và Vùng.

Theo đó, đối với các nước trong khu vực và quốc tế, kết nối thông qua các hành lang quốc gia, gồm Hành lang Bắc-Nam; hành lang Vũng Tàu-TP.HCM-Mộc Bài (Tây Ninh)--Campuchia; hành lang TP.HCM - Chơn Thành- Hoa Lư; các cửa ngõ hàng không (Tân Sơn Nhất, Long Thành) và hệ thống cảng biển (cụm cảng hệ thống sông Đồng Nai, cảng trung chuyển quốc tế cần Giờ) và mạng lưới kết cấu hạ tầng khác cấp quốc tế, quốc gia.

Đối với các vùng, TP.HCM kết nối thông qua mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không và các mạng lưới kết cấu hạ tầng khác cấp Vùng, liên Vùng.

Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, TP.HCM dự kiến bố trí các công trình, dự án quan trọng, các vùng bảo tồn đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng trên địa bàn TP.

Cụ thể, về giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ và đường vành đai đảm bảo kết nối liên Vùng, giải quyết tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của TP.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt khu đầu mối TP.HCM; tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM gắn với phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD, đảm bảo kết nối, đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Về cảng hàng không, TP.HCM dự kiến phát triển cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất công suất 50 triệu hành khách. Hoàn thiện hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt) kết nối giữa cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng sân bay, bãi đáp trực thăng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cứu hộ cứu nạn và phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ.

TP.HCM sẽ có 6 thành phố trực thuộc
Quy hoạch TP.HCM xác định đến năm 2030 phấn đấu hình thành các trục cơ bản của đường sắt đô thị (Metro), tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của TP.

Cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt) kết nối giữa cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không quốc tế Long Thành.

TP.HCM cũng dự kiến phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của TP là trung tâm đầu mối các tuyến đường thủy nội địa khu vực phía Nam. Trong đó, chú trọng phát triển ba hành lang vận tải thủy liên vùng, gồm TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau; TP.HCM - An Giang - Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu – TP.HCM - Tây Ninh.

Cảng biển TP.HCM dự kiến được xây dựng thành cảng biển loại đặc biệt, gồm bảy khu bến chính, là khu bến Cát Lái - Phú Hữu; khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp); khu bến trên sông Sài Gòn; khu bến Nhà Bè; khu bến Long Bình; khu bến cảng trung chuyển quốc tế cần Giờ và các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ.

Về điện và năng lượng, TP.HCM dự kiến xây dựng nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 (1.200MW) và giai đoạn 2 dự phòng theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Cùng với đó, xây dựng ba nhà máy điện rác với tổng công suất khoảng 123MW, điện mặt trời mái nhà khoảng 73MW….

3 đột phá phát triển TP.HCM

Quy hoạch chung của TP.HCM xác định ba đột phá phát triển TP. Cụ thể, đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị.

Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; quy hoạch không gian dọc sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược. Trong đó, chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố là công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

*****

Những mục tiêu chiến lược đến 2030

TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD; tỉ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.

Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của TP đến năm 2030 khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp dưới 3%. TP phấn đấu đạt tỉ lệ 42 giường bệnh/vạn dân; 23 bác sĩ/vạn dân.

Phấn đấu 100% các quận, huyện và TP Thủ Đức có đủ 4 loại hình thiết chế văn hóa, thể thao gồm trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, bảo tàng, thư viện. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người phấn đấu đạt 30-32 m2

Phấn đấu đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập của TP cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; còn dưới 0,5% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố.

Đặc biệt, về hạ tầng đô thị (Metro), đến năm 2030 phấn đấu hình thành các trục cơ bản của đường sắt đô thị, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm