Chiều nay, 4-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, bản quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với hàng loạt định hướng phát triển quan trọng cho TP.HCM, trong đó mô hình đô thị đa trung tâm chính thức trở thành hướng đi của TP trong tương lai.
“Làng trong phố, phố trong làng”
Theo đó, các huyện gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ được yêu cầu phát triển đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên TP. Từ đó phát triển TP.HCM là đô thị đặc biệt bao gồm một khu vực đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc với TP Thủ Đức là đô thị loại I và 5 đô thị vệ tinh cơ bản nêu trên.
Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình TP đa trung tâm gồm khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (Đô thị sinh thái biển). Ranh giới chính thức của các đô thị được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP.HCM theo mô hình TP đa trung tâm.
Cạnh đó, các đô thị trực thuộc TP được định hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia.
Cũng đến năm 2030, TP.HCM tiếp tục tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số. Xây dựng mô hình phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng "làng trong phố, phố trong làng”, kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững.
Theo phương án quy hoạch, huyện Củ Chi là khu vực đô thị hóa ở phía Bắc của TP.HCM với định hướng là trung tâm công nghiệp, khu công nghệ cao, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Đây cũng là khu đô thị sinh thái, thương mại và dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, đào tạo, chăm sóc sức khỏe; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa - cách mạng, khu viện trường…
Huyện Hóc Môn được định hướng là khu vực đô thị hóa phía Bắc của khu vực đô thị trung tâm, phát triển khu đô thị đại học quốc tế, thương mại dịch vụ, đào tạo chuyên nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistic, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao...
Huyện Bình Chánh là khu vực đô thị hóa phía Tây của khu vực đô thị trung tâm với định hướng là trung tâm công nghiệp, trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao...
Huyện Nhà Bè là khu vực đô thị hóa phía Nam của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển cảng biển và đô thị cảng, logistics, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hội chợ - triển lãm, văn hóa - giải trí, thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, khu đại học tập trung, khu y tế kỹ thuật cao, du lịch sinh thái...
Huyện Cần Giờ sẽ là khu vực đô thị hóa phía Nam của TP.HCM với các định hướng phát triển quan trọng, như xây dựng Cần Giờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cần Giờ phục vụ cho khu vực Đông Nam Á, Vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM và cả nước; khai thác, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ngoài khơi.
Đây còn là nơi bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ; trở thành khu vực trọng điểm du lịch sinh thái của Vùng Đông Nam Bộ và vùng TP.HCM;
Song song đó là xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đủ điều kiện trở thành đô thị sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đối khí hậu điển hình của Vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM.
Xây dựng chợ đầu mối thứ 4 tại huyện Hóc Môn
Đáng chú ý về phương hướng bố trí và sắp xếp không gian nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn, quy hoạch nêu rõ khu vực nội thành và TP Thủ Đức sẽ phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó quy hoạch khu đối mới, sáng tạo, đô thị tri thức, khoa học, công nghệ tại Long Phước - Tam Đa, gắn với hoạt động du lịch, đô thị tri thức..., nâng cấp chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức thành trung tâm logistics nông nghiệp.
Khu vực các huyện Củ Chi, Hóc Môn được định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch khu ven sông Sài Gòn; xây dựng chợ đầu mối thứ 4 tại huyện Hóc Môn.
Khu vực huyện Bình Chánh sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch; phát triển trung tâm logistics nông nghiệp tại chợ đầu mối Bình Điền (mở rộng về phía Nam và phát triển khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2 hướng tới xây dựng sàn giao dịch hàng hóa nông sản).
Riêng với khu vực các huyện Nhà Bè, cần Giờ: phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ nội địa, trên biển và sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao, phát triển các làng nghề gắn với các sản phấm OCOP. Ngoài ra, phát triển vùng nuôi chim yến tại một số phường, xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi trên địa bàn TP Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ.
Trong tương lai sẽ xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại. Phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, logistics.
TP.HCM phát triển 10 trung tâm logistics
Các ngành thương mại, dịch vụ giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế của TP với tỉ trọng ngành thương mại dịch vụ đạt trên 60% GRDP; tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030 đạt 8,6%/năm. Trong đó, thương mại tăng trưởng trên 10%/năm, logistics tăng trưởng trên 10%/năm, tài chính - ngân hàng tăng trưởng trên 12%/năm, du lịch tăng trưởng trên 8,5%, 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 50 triệu lượt khách du lịch nội địa…
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics. Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ số, công nghệ quản lý hiện đại trong vận hành của các trung tâm logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, bảo đảm năng lực cạnh tranh và hội nhập được với các trung tâm logistics của khu vực, thế giới.
Trong đó, phát triển 10 trung tâm logistics tại khu vực Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, khu công nghệ cao TP, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Khánh và trung tâm logistics vận tải hàng không tại Tân Sơn Nhất.
TP.HCM trong tương lai cũng tập trung đầu tư, xây dựng các trung tâm phát triển phần mềm và dịch vụ hạ tầng số; đứng đầu khu vực về phần mềm ứng dụng tiên tiến và trở thành trung tâm quốc gia về hạ tầng dịch vụ điện toán đám mây. Thúc đẩy phát triển bền vững thị trường công nghệ thông tin và truyền thông, lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho hoạt động kinh tế - xã hội của TP.
Hình thành các cụm đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng mới 2-3 khu công nghệ thông tin tập trung; các trung tâm đối mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển ở TP Thủ Đức; các khu công viên phần mềm ở Quận 7 và các khu vực khác trên địa bàn TP.
Phát triển dịch vụ tài chính cốt lõi tại khu vực trung tâm và Thủ Thiêm
Về dịch vụ tài chính - ngân hàng, TP.HCM dự kiến bố trí và phát triển dịch vụ tài chính cốt lõi tại khu vực trung tâm và Thủ Thiêm; dịch vụ công nghệ tài chính ở cụm đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính quốc tế.
Quy hoạch cũng xác định khoa học và công nghệ là động lực phát triển, là chìa khóa để TP.HCM bắt kịp và vượt một số TP lớn của khu vực Đông Nam Á và châu Á, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, với hạt nhân là khu công viên phần mềm Quang Trung, khu công nghệ cao, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ, đồng thời có cơ chế, chính sách vượt trội thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế; thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Phát triển kinh tế biển trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên 9 trụ cột chính. Cụ thể, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hàng đầu của Đông Nam Á gắn với trung tâm trung chuyển mới của khu vực. Phát triển các ngành dịch vụ biển dựa trên việc hình thành các khu trung tâm thương mại, tài chính quốc tế và du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đầu tư xây dựng các đô thị ven biển, đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; hoàn thiện hệ thống giao thông, logistics và hệ thống cảng biển và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Cần Giờ.
Phát triển công nghiệp năng lượng sạch; khai thác lợi thế của vịnh Gành Rái cho phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, các dịch vụ ngành dầu khí và công nghiệp hỗ trợ.
Phát triển hệ thống giao thông kết nối Cần Giờ với đô thị trung tâm, TP Thủ Đức và khu vực ngoại thành trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả các sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp, sông Thị Vải và các trục giao thông kết nối.
Một trụ cột nữa là xây dựng đường ven biển kết nối với các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng ĐBSCL.
Với phát triển kinh tế xanh, TP.HCM sẽ tập trung vào bốn trụ cột ưu tiên, gồm đầu tư phi carbon; mua bán tín chỉ carbon và dịch vụ liên quan; tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đầu tư 12 tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD
Về giao thông, TP.HCM tập trung phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai, đường ven sông… bảo đảm kết nối liên vùng, liên tỉnh thuận tiện, hạn chế ùn tắc giao thông. Xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao lộ có mật độ giao thông cao; xây dựng mới hệ thống cầu vượt, cầu qua sông tại các trục đường chính.
Cùng đó là định hướng hình thành trục ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến cần Giờ để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch. Phát triển trục kết nối mới (ven biển) phía Nam từ Tiền Giang qua cần Giờ, TP.HCM đến Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai.
TP.HCM cũng sẽ đầu tư các tuyến đường sắt và 12 tuyến đường sắt đô thị gắn với việc hình thành phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD có tính liên kết Vùng Đông Nam Bộ. Trong đó chú trọng phát triển các tuyến đường sắt đô thị hiện đại kết nối các đô thị vệ tinh, khu công nghiệp... nghiên cứu phát triển tuyến tiềm năng kết nối với khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Về đường thủy, tập trung phát triển các tuyến vận tải thủy liên tỉnh kết nối với TP.HCM và các cụm cảng hàng hóa, cảng hành khách. Phát triển ba hành lang vận tải thủy liên Vùng: TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau; TP.HCM - An Giang - Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu - TP.HCM - Tây Ninh.
Đồng thời, xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hóa, hành khách trọng điểm trên sông Sài Gòn, Đồng Nai, Chợ Đệm - Bến Lức, kênh Tẻ - kênh Đôi và một số tuyến khác.
Bản quy hoạch cũng định hướng phát triển cảng biển TP.HCM thành cảng biển loại đặc biệt. Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU). Nghiên cứu, xây dựng các cảng hành khách quốc tế tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Mũi Đèn Đỏ, Cần Giờ và những vị trí khác khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Tiếp tục đầu tư phát triển cảng biển ở các khu bến, gồm khu bến Cát Lái - Phú Hữu (trên sông Đồng Nai); khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp); khu bến Nhà Bè; khu bến Long Bình; khu bến tại huyện Cần Giờ…
Đối với khu bến trên sông Sài Gòn, thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP.HCM.
Đối với hàng không, cần phát triển cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế đạt 50 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được hướng tới là một trong hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước.
TP.HCM cũng nghiên cứu xây dựng sân bay, bãi đáp trực thăng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cứu hộ cứu nạn và phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ.
Đáng chú ý, TP.HCM định hướng sẽ phát triển bảy cảng cạn, gồm Long Bình, Ngã ba Đèn Đỏ, Khu công nghệ cao, Linh Trung, Củ Chi, Tân Kiên, Hóc Môn.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, quy hoạch TPHCM cũng đề cập tới việc phát triển hạ tầng năng lượng, triển khai các dự án kho dự trữ xăng dầu, khí đốt cấp quốc gia; đường ống xăng dầu, khí đốt; các dự án xử lý, hóa lỏng khí; đầu tư xây dựng các kho xăng dầu cấp TP để phục vụ sản xuất, đời sống.