Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch), mở ra không gian để TP.HCM bứt phá kinh tế - xã hội, tiến vào kỷ nguyên vươn mình.
TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận quy hoạch này giúp TP.HCM có nhiều không gian để bứt phá, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số.
3 điểm nhấn
. Phóng viên: Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 có những điểm nhấn đáng chú ý nào, thưa ông?
+ TS Dư Phước Tân: Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được thực hiện theo phương pháp “tích hợp” theo Luật Quy hoạch. Đây là cách tiếp cận mới, nhằm mục tiêu giải quyết, tạo sự phối hợp liên ngành hoặc liên tỉnh, TP, tránh tình trạng cạnh tranh quá mức về nguồn lực và trùng lặp về đầu tư hạ tầng.
Nội dung quy hoạch lần này có một số điểm mới, tuy nhiên tôi cho rằng có ba điểm nhấn lớn, mang tính đột phá đối với TP.HCM
Một là, quy hoạch lần này đã ra tạo động lực phát triển mới cho TP. Bởi đề án quy hoạch đã đề xuất đầu tư xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm, gồm: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu Thương mại tự do Cần Giờ; Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Trung tâm Tài chính quốc tế và Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc tế TP.HCM.
Đây là các công trình tạo nên động lực mới, giúp TP tận dụng và khai thác những lợi thế hiện hữu trong suốt thời gian qua. Hiện nay, các công trình, dự án mới này đang được chuẩn bị triển khai.
Hai là, quy hoạch xác định TP sẽ áp dụng các mô hình, chính sách kinh tế mới như mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải; tiếp tục thực hiện mô hình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đây là các mô hình phát triển rất phù hợp theo xu thế chung của thế giới.
Ba là, quy hoạch giúp phát triển không gian mới theo xu hướng phát triển đa trung tâm. Cụ thể, TP.HCM đầu tư và xây dựng các huyện ngoại thành đạt tiêu chuẩn đô thị loại ba, phát triển các đô thị vệ tinh kiểu mới, hình thành thêm các TP thuộc TP.HCM sau năm 2030.
Đồng thời, phát triển không gian TP theo chiến lược “bám sông, hướng biển”; phát triển giao thông, công trình ngầm khu trung tâm; nối kết sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Ngoài ra, còn nối kết giao thông giữa TP.HCM với Vùng Đông Nam Bộ và Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, định hướng phát triển không gian của TP.HCM sẽ bao gồm phát triển bên trong và bên ngoài TP; cũng như nhấn mạnh sẽ chú trọng phát triển công trình ngầm, khi diện tích đất đai dành cho phát triển TP ngày càng khan hiếm.
Triển khai các dự án trọng điểm
. Những điểm nhấn đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh TP.HCM đặt nhiều mục tiêu bứt phá về kinh tế - xã hội?
+ Những điểm nhấn nêu trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng và mang tính quyết định, trong bối cảnh TP vừa hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển năm 2024 và đang bước vào giai đoạn phát triển của năm 2025, với nhiều thành tựu ban đầu đã đạt được.
Đồng thời, TP đã đặt ra nhiều mục tiêu bứt phá về kinh tế - xã hội, như quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, đóng vai trò là “tiền đạo” trong hành trình kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Qua ba điểm nhấn đột phá nêu trên cho thấy đề án quy hoạch đã xác định chủ trương phát triển mở rộng không gian mới, trong đó có việc hình thành các khu đô thị vệ tinh mới. Cùng với đó là triển khai các dự án động lực rất quan trọng, như đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đầu tư xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, hình thành Trung tâm tài chính quốc tế…
Những công trình tầm cỡ mang tính đột phá và đầy tham vọng này sẽ là đòn bẩy rất quan trọng, tạo động lực mới cho TP.HCM trong việc thực thi khát vọng vươn lên của mình, gắn với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các điểm nhấn mới trong quy hoạch lần này sẽ là tiền đề rất quan trọng cho TP đạt được những mục tiêu bứt phá được đặt ra với quyết tâm cao nhất.
. Vậy quy hoạch này sẽ tạo ra không gian pháp lý lớn để TP.HCM triển khai mạnh mẽ các dự án, công trình trọng điểm trong thời gian tới?
+ Đề án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý nghĩa đặc biệt. Do đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa thực thi những ý tưởng mới được vạch ra trong đề án.
Sau khi công bố quy hoạch, lãnh đạo TP.HCM sẽ lập kế hoạch triển khai và tổ chức hội nghị công bố quy hoạch, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước đối với danh mục các dự án, gắn với lộ trình thời gian.
Đối với một số công trình, dự án tầm cỡ, có quy mô lớn được đề xuất trong đề án quy hoạch TP.HCM thì sau phê duyệt, sẽ là cơ sở pháp lý để trình Trung ương xem xét, ban hành các chủ trương đầu tư. Vì vậy, đây chính là nền tảng pháp lý vững chắc, tạo tiền đề để triển khai các dự án tầm cỡ này.
Vận dụng Nghị quyết 98 để thực thi quy hoạch
. Quy hoạch mà TP.HCM chờ đợi bấy lâu nay đã có, lúc này, TP.HCM cần triển khai, vận dụng tối đa quy hoạch vào những vấn đề cấp bách nào?
+ Những vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần tạo động lực mới. Tôi cho rằng, bên cạnh đầu tư các công trình, dự án tầm cỡ, tạo động lực mới thì TP.HCM cũng cần chú trọng phát triển khu vực công nghiệp - xây dựng. Khu vực này - thời gian qua - có dấu hiệu giảm tỉ trọng trong cơ cấu tăng trưởng GRDP của TP.
Quả thực, quy hoạch đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ 22% lên 27%, với tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ phấn đấu đưa ra ở mức cao hơn, lên đến hơn 10.000 ha. Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp tích hợp mạch bán dẫn, công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện vi mạch, điện tử tích hợp… phù hợp xu thế phát triển trên thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, không gian phát triển cần được tổ chức theo hướng đa trung tâm, đa chức năng và hình thành khu tri thức sáng tạo, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ với mô hình TP trong TP.
Mô hình phát triển không gian theo hướng đa trung tâm này sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và tạo dư địa cho phát triển, thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất ở khu vực các huyện ngoại thành.
Đáng chú ý, TP cần vận dụng Nghị quyết 98 trong các giải pháp thực thi quy hoạch cũng là một công cụ quan trọng nhằm tháo gỡ phần nào những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách, tạo động lực để TP thực thi quy hoạch được thành công.
. Xin cảm ơn ông.