Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (QHĐT&NT).
Góp ý vào dự luật, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), cho biết QHĐT&NT có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, do đó dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau.
ĐB Hạnh cho rằng cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
“Cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện” - bà Hạnh nêu.
Còn ĐB Quốc hội Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho rằng dự thảo Luật cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với QHĐT&NT trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch…
Theo ĐB, việc quy định như dự thảo Luật có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại làm thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất.
Bên cạnh đó, Điều 8 của dự thảo Luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các QHĐT&NT với nhau theo quy định của Luật này.
“Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý” – ĐB Tân nói.
Theo đó, ĐB Tân đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó, có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của nhà nước.
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng đối với TP trực thuộc Trung ương, ngoài quy hoạch tỉnh cần có quy hoạch chung vì mỗi loại có chức năng khác nhau.
“Tuy nhiên, các ĐB cũng nói thời gian qua hai loại quy hoạch này có sự trùng nhau. Vì vậy trong luật lần này phải làm sao để không trùng nhau” – ĐB Cường nêu.
Theo ông, nguyên nhân trùng nhau là do trước đây chưa có quy hoạch tỉnh, mà chỉ có quy hoạch chung với chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, lĩnh vực. Sau đó, còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, lĩnh vực.
Hiện nay cấp tỉnh có quy hoạch tỉnh với chức năng là định hướng phát triển nhưng không còn quy hoạch của các ngành, lĩnh vực nữa. Do vậy, quy hoạch chung phải thực hiện chức năng cụ thể hoá, định hướng của quy hoạch tỉnh và thay thế cho các quy hoạch ngành, lĩnh vực mà hiện giờ không có.
Theo đó, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị sửa lại Điều 20 dự thảo luật theo hướng cụ thể hoá các nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng. Khu vực nào không có quy hoạch phân khu phải xác định rõ ranh giới để cắm mốc giới. Quy hoạch nào có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ vị trí để quy hoạch phân khu đi vào xác định mốc giới.
Ông cũng đề nghị sửa Điều 34 dự thảo luật theo hướng gộp các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật lại (cao độ nền, thoát nước, giao thông, thủy lợi…) để đảm bảo tính đồng bộ trên phạm vi quy hoạch chung, tránh tình trạng chồng chéo.
Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch (ở Điều 50, khoản 3) cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch theo hướng thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới thực hiện quy hoạch về đô thị.
“Quy định như thế sẽ tránh được tình trạng hiện nay cứ đi xin đất làm đô thị trước nhưng đất về hạ tầng không có” - ĐB Cường nhấn mạnh.