Theo tin từ hãng tin Reuters, ngày 7-5, Bộ Tư pháp Mỹ bất ngờ yêu cầu thẩm phán rút các cáo buộc hình sự đối với cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Tướng Lục quân về hưu Flynn là Cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Ông Flynn là ai, phạm tội gì?
Theo cáo trạng, tháng 12-2016 (thời điểm chính phủ ông Trump chưa nhậm chức) ông Flynn có liên lạc với đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, bàn về trừng phạt của Mỹ với Nga, và đề nghị đại sứ Nga giúp hoãn một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc có hại cho Israel.
Ông Flynn bị ông Trump sa thải chỉ sau 24 ngày tại nhiệm, khi có thông tin ông Flynn nói dối Phó Tổng thống Mike Pence và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về liên hệ với đại sứ Nga.
Ông Flynn khi còn làm việc tại Nhà Trắng ngày 13-2-2017. Ảnh: REUTERS
Năm 2017 ông Flynn đã thừa nhận khai dối với FBI về liên hệ giữa ông với đại sứ Nga Kislyak những tuần trước khi ông Trump nhậm chức.
Thời gian đầu sau khi nhận tội ông Flynn hợp tác tốt với các công tố viên. Nhưng sau đó ông Flynn đổi luật sư và cáo buộc các công tố viên lừa để mình nói dối về liên lạc với đại sứ Nga.
Hồi tháng 1, các công tố viên đã đề nghị lên thẩm phán tuyên mức án sáu tháng tù với ông Flynn. Theo các công tố viên, ông Flynn “đã không rút ra bài học” và hành xử như “luật pháp không áp dụng” với ông. Tuy nhiên, phiên tuyên án chính thức đã bị trì hoãn nhiều lần.
Bộ Tư pháp nói không tin FBI
Bộ Tư pháp đã gửi một bản kiến nghị đề nghị thẩm phán Emmet Sullivan phụ trách xét xử vụ ông Flynn rút bỏ các cáo buộc với ông Flynn.
Trong văn bản gửi thẩm phán Sullivan, Bộ Tư pháp nói không tin tưởng cuộc phỏng vấn của FBI với ông Flynn ngày 24-1-2017 được thực hiện theo “nền tảng điều tra hợp pháp”, cũng như không nghĩ lời khai của ông Flynn là chính xác.
Thẩm phán Emmet Sullivan. Ảnh: BLACK VOICE NEWS
Chưa rõ kết quả sẽ thế nào. Thông thường các thẩm phán có thể thực hiện theo các kiến nghị như thế này nhưng thẩm phán Sullivan cũng có thể yêu cầu Bộ Tư pháp trả lời về lý do tại sao có sự đảo ngược này, hoặc thậm chí có thể từ chối thực hiện kiến nghị và xúc tiến tuyên án với ông Flynn.
Thẩm phán Sullivan được biết là người có tính độc lập rất cao trong công việc. Hơn nữa, trong một phiên điều trần năm 2018 thẩm phán Suliivan từng thể hiện thái độ thất vọng, chán nản với sai phạm của ông Flynn, quở trách ông Flynn đã bán rẻ đất nước. Tuy nhiên, theo Reuters, khả năng ông Sullivan bác kiến nghị và xúc tiến tuyên án ông Flynn không cao.
Áp lực từ ông Trump?
Theo Reuters, Bộ Tư pháp đi đến bước này sau áp lực từ phía Tổng thống Trump và các đồng minh chính trị của ông Trump. Bộ trưởng Tư pháp Barr là một đồng minh chính trị của Tổng thống Trump và được bổ nhiệm không lâu sau khi ông Flynn bị truy tố.
Bản thân ông Trump nhiều lần nói ông “rất hài lòng” về cố vấn an ninh của mình, công khai chỉ trích vụ truy tố ông Flynn, khiển trách FBI. Hồi tháng 3 ông Trump từng nói ông đang cân nhắc ân xá hoàn toàn cho ông Flynn, cáo buộc FBI và Bộ Tư pháp đã hủy hoại cuộc sống của ông Flynn và gia đình ông.
Ông Trump (trái) và ông Flynn. Ảnh: CNN
Ông Flynn là một trong nhiều quan chức dưới thời ông Trump bị Công tố viên đặc biệt Robert Mualler điều tra liên quan cáo buộc Nga thông đồng với đội tranh cử ông Trump can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cố vấn Roger Stone và cựu giám đốc tranh cử Paul Manafort đều đã bị buộc tội và bị tuyên án tù nhiều năm.
Hồi tháng 2, ông Barr và một số quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp đã giảm đề xuất mức án trong trường hợp ông Stone sau khi ông Trump công khai chỉ trích đội công tố viên phụ trách vụ này. Các công tố viên này sau đó đã nghỉ việc để phản đối.
Trước khi bản kiến nghị trường hợp ông Flynn được gửi đến thẩm phán Sullivan, công tố viên kỳ cựu Brandon Van Grack đã rút khỏi vụ việc cũng như các vấn đề pháp lý liên quan.
Chỉ trích dồn về Bộ trưởng Tư pháp Barr
Bước đi của Bộ Tư pháp gặp chỉ trích mạnh từ nhiều nghị sĩ Dân chủ. Đảng Dân chủ cáo buộc Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã chiều theo ý ông Trump, bảo vệ vô lối người quen của ông Trump, chính trị hóa hệ thống tư pháp Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Michael Barr. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều ý kiến cho rằng ông Trump đã hành động mạnh tay hơn sau khi Thượng viện tuyên ông trắng án trong phiên tòa luận tội hồi tháng 2. Sau sự việc này ông bắt đầu can thiệp mạnh hơn vào các vụ án liên quan đến những người thân cận mình.
“Ông Flynn đã nhận tội khai man trước các nhà điều tra. Chứng cứ chống lại ông ta quá nhiều. Quyết định đảo ngược lại quyết định của công tố viên đặc biệt là không có tiền lệ và cần phải có sự giải thích ngay lập tức” - nghị sĩ Dân chủ Jerrold Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, viết trên Twitter.
“Chúng tôi bi quan sâu sắc rằng đây là một sự áp bức hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta vì lợi ích của tổng thống” - theo cựu công tố viên Noah Bookbinder.
Còn theo cựu công tố viên Seth Waxman, sự việc này khiến người ta không chắc chắn về hoạt động của Bộ Tư pháp.