Ngày 24-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Vượt 2 chỉ tiêu được Quốc hội giao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao. Trong đó, vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỉ lệ dân số tham gia BHYT.
Ngành y tế cũng đã hoàn thành 8/9 chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ giao.
Cùng với đó, công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Việc xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện; các dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục được kiểm soát; chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao.
Ngành y tế cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân số; cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp tục hoàn thiện, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở; tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cần được khắc phục.
Nhiều hạn chế, thách thức
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhìn nhận và chỉ ra rõ những hạn chế, thách thức của ngành y tế.
Theo đó, ở một số khu vực, mạng lưới y tế cơ sở tiếp cận các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế. Vùng Tây Nguyên không có bệnh viện tuyến Trung ương.
Trong khi đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ có một bệnh viện tuyến Trung ương.
Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn vướng mắc, chưa đồng bộ về BHYT, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế... khiến nhiều cơ sở y tế công lập thiếu động lực nâng cao chất lượng và chuyên môn, không chủ động được nguồn tài chính tái đầu tư, phát triển.
Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch. Quản lý y tế tư nhân chưa chặt chẽ do nhân lực thanh tra, kiểm tra mỏng.
Việc kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong một số cơ sở còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Tỉ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền vẫn thấp; phát triển dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ manh mún, tự phát.
Công tác quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và hội nhập khu vực, quốc tế, chưa tăng cường, bổ sung chính sách đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế.
Số lượng sinh viên, học viên sau đại học y tăng lên nhiều lần, tuy nhiên số lượng bệnh viện thực hành hầu như không tăng, khiến cơ hội để sinh viên, học viên tiếp xúc với bệnh nhân giảm rõ rệt. Nguồn nhân lực y tế, đặc biệt điều dưỡng còn thiếu, khó thu hút nhân lực làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Đặc biệt, tại một số địa phương, cơ sở y tế còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số thời điểm… gây khó khăn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao (số ca mắc sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023). Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng 3 năm gần đây không đạt 90%.
Các bệnh không lây nhiễm cũng có xu hướng tăng, công tác quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn đạt hiệu quả thấp.
Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố.
Tiếp tục nâng cao vị thế ngành y
Bước vào năm 2025, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định ngành y tế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu quan trọng, trong đó có việc phát triển y tế cơ sở, tăng cường công tác y tế dự phòng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ là động lực để ngành y tế tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2025, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của ngành y tế Việt Nam trong bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết cơ quan này đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao về tiếp nhận các nhiệm vụ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng Đề án tiếp nhận các đơn vị trên, nhằm triển khai đồng bộ, khoa học và đảm bảo mục tiêu của bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, có cơ cấu tổ chức tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với việc tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức, Bộ Y tế sẽ sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu ngành y tế tập trung xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực y tế dự phòng; triển khai các nội dung, chính sách dân số để bảo đảm mức sinh thay thế.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng ngành y tế triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo Bộ Y tế.