Đổ tiền tỷ làm phim học trò
Bội thực phim tuổi học trò là điều chưa từng thấy trước đây. Ngoài Cô bé phép thuật, Gia đình phép thuật và Siêu mẫu xì trum đang phát sóng, năm 2009 còn có rất nhiều phim sắp triển khai, với nhiều lát cắt về đời sống tuổi teen.
Trong khi phim Gia đình phép thuật đang lên sóng (Kim Hyo Jung, Chu Thiện đạo diễn, Vifa và Chu Thị hợp tác) thì ngoài hiện trường, ê kíp làm phim này vẫn đang tiếp tục ghi hình những tập tiếp theo. Với 200 tập phim đang thực hiện (dự kiến 500 tập), dự án này đã ngốn của nhà sản xuất 20 tỉ đồng, chủ yếu chi phí cho kỹ xảo, trang phục và đạo cụ. Đây không chỉ là phim thiếu nhi tốn kém, dài tập nhất từ trước đến nay mà còn là phim truyền hình đầu tiên sử dụng máy bay để ghi hình những cảnh quay đặc biệt.
Cảnh trong phim Siêu mẫu xì trum |
Một phim tiền tỷ khác vừa được công bố là Tia chớp nhỏ của hãng phim Sơn An và Công ty Mặt trời nhỏ. Kinh phí của bộ phim 150 tập này lên đến 30 tỷ đồng. Phim dự kiến khởi quay phần đầu (52 tập) vào tháng 6 tới, phát sóng hè năm 2010. Tia chớp nhỏ do Nguyễn Trí Công viết kịch bản, kể câu chuyện những bạn trẻ dũng cảm bảo vệ lẽ phải, sống tình cảm với bạn bè, gia đình, xã hội. Nhà làm phim nói rằng, hy vọng bộ phim sẽ góp một phương hướng cho bạn trẻ trong cách sống, ứng xử với cộng đồng.
Đang trong quá trình tuyển diễn viên là phim Nhất quỷ nhì ma (Créa TV và TV Plus hợp tác, kịch bản của Diêu Như Trang, dài 30 tập) với nội dung đề cao tình cảm thầy trò. Vai nam chính của phim đã được dành cho ca sĩ Đan Trường.
Các phim đang thực hiện có thể kể đến Những thiên thần áo trắng, Mùa hè sôi động (30 tập, Hành tinh xanh sản xuất, đạo diễn Duy Ngọc, Mai Tuấn), Những ngày hè xanh (21 tập, Lasta sản xuất, đạo diễn Xuân Phước). Phim chờ ngày lên sóng có Cầu vồng đơn sắc (22 tập, Lạc Việt sản xuất, đạo diễn Quốc Thịnh), Kẻ di trú (20 tập, TFS sản xuất, đạo diễn Châu Huế).
Một vài dự án vẫn còn nằm ở dạng kế hoạch là Màu của tình yêu (tác giả Như Trang), Thế giới bí mật (tác giả Thiên Thiên) của hãng Sao thế giới, Con gái láo (chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của Đức) của hãng phim Việt.
Món ngon ăn mãi cũng ngán
Giải thích hiện tượng bùng phát phim dành cho tuổi teen trong năm 2009, một nhà sản xuất cho biết: "Chủ yếu vì tìm được kịch bản hay để đầu tư. Một lý do khác là ngày nay các đạo diễn có nhiều hình thức, phương tiện để tuyển diễn viên, chẳng hạn như rao trên blog, phát hành tờ rơi... Giới trẻ 8X, 9X bây giờ rất mạnh dạn, năng động trước ống kính nên chọn người phù hợp với nhân vật dễ dàng hơn nhiều". Ngay sau khi thông tin đạo diễn Lê Hoàng tìm - tuyển diễn viên cho Thiên thần áo trắng được loan truyền, đã có ngay 900 bạn trẻ đăng ký!
Cảnh trong phim Những thiên thần áo trắng |
Đạo diễn Lê Hoàng tuyên bố sở dĩ mình "bước qua lời nguyền", chịu làm phim truyền hình vì: "Tôi thấy phim truyền hình của ta, nhất là phim dành cho tuổi teen, dở quá!". Không nói thẳng như Lê Hoàng, một số đạo diễn khác tham gia làm phim tuổi teen lý giải rằng họ thích làm phim cho tuổi học trò vì đây cũng là một cách để tâm hồn được trẻ lại.
Tuổi học trò giờ đây không còn đói phim, nhưng không có nghĩa giới trẻ hoàn toàn hài lòng với những gì mà các nhà làm phim thể hiện. Những gì diễn ra trong Siêu mẫu xì trum đang phát sóng quá xa lạ với thực tế. Mới 3 tập đầu, bộ phim đã cho thấy sự vô lý trong cách xây dựng hình ảnh giới trẻ Việt Nam, ngay từ biểu hiện bên ngoài đến phẩm chất, trí tuệ bên trong.
Các nhân vật mặc trang phục hệt như trào lưu Harajuku màu mè, phi giới tính của giới trẻ Nhật. Nhân vật em trai Nhã Đan để tóc dài rủ che cả mặt, vừa chạy xe vừa giật theo nhạc, cứ như đang sống ở một đất nước nào khác, không phải Việt Nam. Ngạc nhiên hơn khi nhân vật này rủ bạn bè tham gia những cuộc đấu hip hop về đêm, được tổ chức chuyên nghiệp ngoài đường phố - chuyện chỉ có trong văn hóa của những người gốc Phi.
Khán giả nhận ra những bất hợp lý trong phim teen, còn người trong cuộc thất vọng. Đạo diễn Lê Hoàng than thở: "Cái dở của phim teen nói riêng và phim truyền hình nói chung là thông điệp chuyển tải đến người xem không có. Tính tư tưởng yếu, chỉ được cái trẻ trung. Một cái dở khác nữa là thoại. Thoại trong phim trẻ con đa phần hoặc quá ngớ ngẩn hoặc rất ông cụ non!".
Tuy vậy ông phản đối cách nghĩ là người lớn thì không thể viết kịch bản phim thiếu nhi: "Nhà văn Andersen 70 tuổi vẫn viết truyện cổ tích rất hay đó thôi, cái chính là tâm hồn của người viết có còn trẻ trung hay không".
Món ngon ăn mãi cũng... ngán, huống chi qua một số phim đã phát cho thấy các nhà làm phim chỉ mới chạy theo bề nổi mà chưa thực sự chạm đến những vấn đề mà giới trẻ thực sự quan tâm. Nếu cứ tiếp tục cách làm như vậy, dòng phim cho tuổi học trò sẽ chỉ thỏa mãn nhu cầu của người xem ở một thời điểm nào đó chứ không thể đi đường dài.
Theo Quang Huy (VNN)