Bốn nước hội đàm về Syria

Ngày 23-10, các bộ trưởng Ngoại giao John Kerry (Mỹ), Sergey Lavrov (Nga), Adel al-Jubeir (Saudi Arabia) và Feridun Sinirlioglu (Thổ Nhĩ Kỳ) đã ngồi vào bàn đàm phán ở Vienna (Áo) để thảo luận về tình hình Syria.

Buổi sáng, bộ ba Mỹ - Saudi Arabia - Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau để trao đổi quan điểm. Sau đó đến cuộc trò chuyện tay đôi giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Buổi chiều là cuộc hội đàm then chốt giữa bốn nước nêu trên.

AFP nhận định đây là nỗ lực ngoại giao đa phương đầu tiên về xung đột Syria và là dấu hiệu quốc tế hóa nội chiến Syria đã làm hơn 250.000 người chết kể từ tháng 3-2011.

Đây cũng là cuộc hội đàm chưa từng thấy về cuộc chiến Syria.

Một bên gồm bộ ba Mỹ - Saudi Arabia - Thổ Nhĩ Kỳ vốn phản đối chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và mạnh tay ủng hộ cho quân nổi dậy chống chính phủ Syria.

Bên còn lại trong bàn đàm phán là Nga, nước đang hỗ trợ chính phủ Syria về quân sự và ngoại giao.

Sáng 23-10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Vienna. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Trước khi cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov sang Vienna, Tổng thống Nga Putin đã tố các nước phương Tây chơi trò nước đôi, tức vừa kêu gọi đấu tranh chống khủng bố nhưng lại vừa sử dụng một bộ phận quân khủng bố như những con tốt phục vụ lợi ích riêng của phương Tây.

Ông ghi nhận liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu đã thực hiện hàng ngàn phi vụ không kích ở Iraq và Syria từ hơn một năm nay, thế nhưng tại sao không đạt được kết quả nào cụ thể.

Về phía Mỹ, ban đầu Mỹ yêu cầu Tổng thống Assad phải ra đi ngay tức khắc và xem đây là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tiến trình chính trị ở Syria.

Sau đó, Mỹ lại tuyên bố có thể thương lượng lại về lộ trình Tổng thống Assad ra đi.

Hôm 22-10, trong chuyến thăm Berlin (Đức) trước khi sang Vienna, Ngoại trưởng John Kerry không phát biểu rõ ràng về vấn đề Tổng thống Assad phải ra đi như trước kia đã nói.

Ông chỉ nhận xét với báo giới rằng “điều duy nhất xuất hiện trên đường (thực hiện giải pháp chính trị) là một người mang tên Bashar al-Assad”.

Saudi Arabia thuộc dòng Hồi giáo Sunni vốn không ưa Syria theo hệ phái Alawite (dòng Hồi giáo Shiite).

Trước đây Saudi Arabia luôn yêu cầu Tổng thống Assad phải rời bỏ quyền lực. Và đầu tuần này một bộ trưởng Saudi Arabia phát biểu Tổng thống Assad có thể cầm quyền trong thời gian xây dựng chính phủ quá độ ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ưa gì Syria. Thế nhưng mới đây, lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có thể thực hiện tiến trình cùng với Tổng thống Assad.

Iran là quốc gia ủng hộ Syria mạnh mẽ nhưng không được mời tham gia hội đàm ở Vienna cho dù hôm 22-10, Ngoại trưởng John Kerry đã nhắc: Iran cũng như Mỹ, Nga và châu Âu đều nhất trí về nguyên tắc một giải pháp chính trị ở Syria.

Rạng sáng 22-10 (giờ địa phương), lực lượng đặc nhiệm Mỹ và các tay súng người Kurd đã tấn công nhà tù của Nhà nước Hồi giáo gần Hawijah (miền Bắc Iraq). Lầu Năm Góc thông báo nguyên do tấn công vì có nguy cơ bọn Nhà nước Hồi giáo xử tử các con tin. Lực lượng Mỹ cung cấp trực thăng chở quân và đi theo các tay súng người Kurd. 70 con tin được giải cứu. Một binh sĩ Mỹ bị thương và sau đó đã chết. Đây là binh sĩ Mỹ đầu tiên từ khi Mỹ đánh Nhà nước Hồi giáo vào tháng 8-2014 và đây cũng là binh sĩ Mỹ đầu tiên tử trận ở Iraq từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq cuối năm 2011. Lầu Năm Góc khẳng định đây sẽ là cuộc hành quân duy nhất. Trước trận đánh ở Hawijah, lực lượng Mỹ chỉ tập trung không kích và không trực tiếp tham chiến.

___________________________________

3.500 binh sĩ Mỹ đã được triển khai ở Iraq trong khuôn khổ chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo mang tên “Quyết tâm tột cùng”. Số quân này giữ nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và yểm trợ cho quân đội Iraq.

Chúng tôi có thể tạo điều kiện để xúc tiến tiến trình chính trị ở Syria và tôi hy vọng đạt được kết quả thành công.

Tổng thống Nga PUTIN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm