Thực trạng trên đang diễn ra tại bốn trường THPT tư thục Hà Huy Tập (TP Tam Kỳ), Phạm Văn Đồng (huyện Quế Sơn), Hoàng Sa và Quảng Đông (huyện Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Đây là bốn trường tư thục có mặt tại tỉnh Quảng Nam và đóng góp rất lớn cho phong trào xã hội hóa giáo dục của tỉnh này.
“Đứng bánh” sau 15 năm thành lập
Trường THPT tư thục Hà Huy Tập được thành lập vào năm 1998, có cơ sở vật chất rất khang trang. Tính đến nay, ngôi trường 15 tuổi này đã đào tạo hơn 7.000 học sinh tốt nghiệp THPT và cũng từng nhận rất nhiều bằng khen của Bộ GD&ĐT. Thế nhưng nhiều khả năng nó sẽ bị “xóa sổ” vào cuối năm nay vì hai năm qua trường vắng bóng học sinh nhập học. Từ quy mô 25 lớp với 1.200 học sinh, đến năm học 2013-2014 này trường chỉ còn khoảng 400 học sinh lớp 12.
Thầy T. (công tác tại trường từ ngày đầu thành lập) chua xót nói: “Mỗi năm tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT rất cao, chiếm 99%. Trong năm học vừa qua đã có 100 học sinh của trường đậu ĐH-CĐ. Nhưng sau khi tốt nghiệp hết khóa 12 này thì trường sẽ không còn học sinh nữa”.
Trường THPT tư thục Hà Huy Tập chỉ có rất ít học sinh nhập học và đã “chết lâm sàng”. Ảnh: LÊ PHI
Được biết, Trường THPT Hà Huy Tập là ngôi trường tư thục đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có chất lượng, uy tín, thế nhưng hiện đang “chết lâm sàng”. Đầu năm học 2013-2014, Trường THPT Hà Huy Tập ngậm ngùi chia tay 15 giáo viên, chỉ giữ lại hơn 30 người nhưng phải cắt giảm 25% lương. Các giáo viên còn lại đang rất lo lắng vì sẽ không biết đi về đâu hay sẽ thất nghiệp.
Trong khi đó, thầy Lại Thế Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, cũng cho biết: “Trường đã làm hết mình để tuyển sinh nhưng không được bao nhiêu và đã cạn nguồn tuyển”.
Trước tình cảnh này, ngày 31-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã họp với Trường THPT tư thục Hà Huy Tập. Nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Trường này đã ngỏ ý xin các ngành chức năng của tỉnh tham mưu UBND tỉnh ra quyết định giải thể theo Luật Phá sản.
Đồng loạt “chết lâm sàng”
Tương tự tình cảnh trên là Trường THPT tư thục Phạm Văn Đồng (huyện Quế Sơn). Năm học vừa rồi trường chỉ tuyển được… 15 học sinh. Cộng dồn cả ba khối lớp, trường này cũng chỉ được 43 em, tương đương một lớp ở trường công lập.
Ông Võ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT tư thục Phạm Văn Đồng, cho biết nhà trường giỏi xoay xở mấy cũng không đủ trả lương cho 19 giáo viên và nhân viên của trường. “Nên hiệu trưởng phải kiêm luôn công việc bảo vệ, đánh trống vào giờ học và tan lớp” - ông Hoàng nói.
Ngoài ra, hai trường THPT Hoàng Sa và THPT Quảng Đông (huyện Điện Bàn) cũng trong tình cảnh chờ giải thể. Theo lý giải của các trường này thì số lượng học sinh tại các trường THPT tư thục ở Quảng Nam giảm sút mạnh kể từ khi tỉnh áp dụng phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập trên địa bàn trên 93%, cộng thêm khoảng 5% số học sinh bỏ học, đi học nghề khiến các trường tư thục “bó tay” trong khâu tuyển sinh.
Học sinh và phụ huynh đã chọn trường nghề Năm học vừa qua, cả tỉnh có hơn 1.200 học sinh không có cơ hội vào các trường công lập. Tuy nhiên, các học sinh này và gia đình lại không chọn con đường vào các trường tư thục mà đi học trung cấp và CĐ nghề. Vì hiện trên địa bàn tỉnh đang có tới tám trường trung học chuyên nghiệp và CĐ nghề. Sau khi học nghề, nếu muốn thi ĐH các em này vẫn có thể dự thi. Do vậy, các em đã chuyển hướng sang học nghề hơn là đi học THPT tư thục. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các trường tư thục này rơi vào cảnh “đường cùng”: Đó là sự phát triển đáng mừng của các trường công khi đảm nhận được nhu cầu học tập của con em. Gia đình và học sinh lớp 9 đã chọn con đường đi riêng cho mình là học nghề chứ không phải bằng mọi giá vào THPT như trước đây. Mặt khác, các trường tư thục thỏa thuận với phụ huynh thu 450.000 đồng/tháng học phí, trong khi trường công cao nhất chỉ 80.000 đồng/tháng. Mức học phí đó là khá cao khiến nhiều gia đình không gánh được. Đối với việc ngỏ ý xin giải thể của Trường THPT tư thục Hà Huy Tập, nếu phá sản phải làm nhiều thủ tục khó khăn nên trong trường hợp xấu nhất, họ xin được giải thể. Còn về phần trang bị vật chất của trường thì TP Tam Kỳ cam kết đứng ra mua lại nếu trường bán để TP đầu tư cho trường THCS. Về giáo viên và học sinh của các trường, nếu giải thể Sở sẽ có tính toán. Ông NGUYỄN TẤN THẮNG, |
LÊ PHI