Bóng đá Đức từng rơi xuống đáy… như Việt Nam

Chia sẻ của những chuyên gia bóng đá Đức trong chuyến giao lưu của các cựu tuyển thủ CLB Borussia Dortmund và giải vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) tại TP.HCM ngày 22-9 có nhiều ý kiến thú vị, đáng cho làng bóng Việt Nam học hỏi.

Cuộc trỗi dậy thần kỳ của bóng đá Đức

Chuyên gia bóng đá Maurice Goerges, Giám đốc tiếp thị Bundesliga khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hóm hỉnh ví von bóng đá Đức có thời điểm năm 2000 bị rơi xuống đáy giống… Việt Nam. Những hạn chế của họ bộc lộ đầy đủ sự yếu kém cứ như đội tuyển U-22 Việt Nam sau mùa SEA Games vừa qua lại gây ầm ĩ trên các diễn đàn vì đứa con bóng đá nuôi mãi không chịu lớn.

Ông Maurice Goerges gọi cú sốc bị loại ở vòng bảng Euro 2000 của tuyển Đức là một thảm họa vì chưa bao giờ họ thất bại một cách ê chề như thế. Những chiến binh già của bóng đá Đức thời ấy như Lothar Matthaus, Oliver Bierhoff, Thomas Hassler, Mehmet Scholl,… gục ngã thê lương vì cái triết lý bóng đá phòng ngự cằn cỗi và lạc hậu dựa trên sức mỏi của các lão tướng U-40.

Các nhà quản lý và điều hành bóng đá Đức chợt tỉnh ngộ sau cơn mê dài. Họ tập trung mọi nguồn lực cho làng bóng, bắt đầu từ quá trình săn lùng tài năng trẻ trên khắp đất nước. Maurice Goerges kể song song với việc này, các học viện bóng đá Đức chú trọng đào tạo đội ngũ HLV lành nghề. Họ tuân thủ một nguyên tắc muốn có cầu thủ giỏi thì người thầy phải giỏi.

Bên cạnh đó, chính sách nhập cư cởi mở cũng giúp người Đức thành công lớn trong việc đãi ngộ và hấp dẫn các nhân tài bóng đá có gốc gác Đức từ khắp nơi trên thế giới chạy về. Các đội tuyển Đức sau năm 2000 gặt hái thành quả từ chiến tích vô địch thế giới 2014 và luôn nằm trong tốp đầu trên toàn cõi châu Âu.

Các chuyên gia bóng đá Đức (ảnh trên) chia sẻ về thành công và Maurice Goerges (ảnh dưới, bên phải) mong muốn bóng đá Việt Nam sẽ thoát đáy như họ. Ảnh: CT

Làm bóng đá cần sự đồng lòng từ trên xuống

Maurice Goerges cười thật hiền chia sẻ bí quyết thành công của bóng đá Đức: “Chúng tôi không bỏ sót nhân tài. Tất cả cầu thủ trẻ sau khi được các chuyên gia tìm tòi và đưa về các lò đào tạo đều có cơ hội tập luyện, cống hiến như nhau. Họ học chung một giáo án thống nhất từ các đội lớn xuống đến đội trẻ. Điều quan trọng nhất, bóng đá Đức có một sự đồng lòng chung sức từ quan chức liên đoàn, CLB, các HLV, cầu thủ,... Chúng tôi như những đứa con hòa thuận trong một gia đình lớn bóng đá”.

Nhà báo Vũ Công Lập chuyên nghiên cứu về bóng đá Đức bật mí thêm: “Các giải vô địch Đức, đặc biệt ở Bundesliga, có một giá trị chung là cách chơi bóng của cầu thủ luôn nhằm phục vụ cho đội tuyển quốc gia. Điều này tôi không thấy ở giải Anh luôn được ca ngợi hấp dẫn nhất châu Âu”.

Chúng tôi hỏi các chuyên gia bóng đá Đức về những trở ngại khiến một nền bóng đá kém phát triển như Việt Nam chưa chịu vươn vai, Maurice Goerges suy tư: “Sau khi tìm hiểu, tôi biết bóng đá Việt Nam có tiềm năng rất lớn, người yêu bóng đá luôn cuồng nhiệt. Vấn đề của các bạn là thiếu một giáo án chung, xuyên suốt ở các cấp độ. Điều quan trọng hơn là tất cả đều phải chung tay vun đắp và chăm chỉ huấn luyện, đào tạo trẻ. Chỉ cần các bạn vạch ra một lộ trình đúng đắn và kiên nhẫn đi theo, tôi tin làng bóng Việt Nam sẽ thoát ra khỏi đáy, như người Đức từng mất 14 năm mới có ngày hôm nay”.

Phát triển bóng đá cộng đồng và học đường


Nữ HLV Julia Farr (ảnh) của đội tuyển U-9 và U-13 học viện Borussia Dortmund và các chuyên gia trong sáng 22-9 có buổi tập huấn kỹ năng đá bóng cho học sinh Trường Trương Vĩnh Ký. Cô gái Đức xinh đẹp chia sẻ: “Bóng đá Đức hay các nền bóng đá hiện đại đều bắt nguồn từ bóng đá cộng đồng và bóng đá học đường. Chúng tôi đã nhân rộng triết lý bóng đá này tại rất nhiều quốc gia, đặc biệt khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản... CLB Borussia Dortmund mong muốn sẽ đồng hành lan tỏa triết lý này cho trẻ em Việt Nam”.

Julia Farr nói say sưa: “Trẻ em chơi bóng đá không phải là người lớn thu nhỏ. Các em chơi bóng vì đam mê, không nên gieo vào suy nghĩ cho trẻ em phải trở thành ngôi sao trong tương lai. Bên cạnh phương pháp đào tạo còn có nhiều điều kiện phát triển khác như sinh lý, tâm lý, xã hội...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới