Thực tế đẳng cấp của bóng đá nữ trong châu lục phân chia rõ rệt và trận thành công nhất vẫn là cuộc rửa hận tuyển nữ Thái Lan ở tứ kết khi trình độ của hai bên là ngang ngửa nhau.
Ông Chung cho biết sau Asiad sẽ tiến hành trẻ hóa tuyển nữ cho những mục tiêu mới. Chỉ tiếc là trong hai năm liên tiếp, bóng đá nữ Việt Nam không có sân chơi cọ xát ở Đông Nam Á gồm AFF Cup và SEA Games vào năm sau. Cho nên chiến dịch của ông Mai Đức Chung mới chỉ là ý tưởng và chắc hẳn sẽ gặp nhiều trở ngại vì rất cần sự phối hợp đồng bộ.
Vấn đề của bóng đá nữ Việt Nam không phải chỉ hô những khẩu hiệu ai cũng biết mà làm sao trẻ hóa trên một nền tảng thiếu bền vững. Cái khó nhất của bóng đá nữ chính là giải vô địch quốc gia nhiều năm qua vẫn quẩn quanh với sáu đội bóng, trong đó đội nữ Hà Nội vẫn rải quân đều cho hai đội bóng khác. Thêm nữa, lực lượng trẻ kế thừa ở các CLB thì khan hiếm và không đồng đều trong lúc VFF gom 30 cầu thủ nữ U-19 lại đào tạo ở trung tâm của mình để giải ngân hơn 30 tỉ đồng nhằm phục vụ cho Asiad 18.
Trong khi đó, VFF gần như chỉ đóng vai nhà tài trợ theo kiểu cho đi máy bay đường thẳng mà không phải đi vòng hoặc mới đây tung thưởng nóng 1 tỉ đồng cho các cô gái sau kỳ tích vào bán kết Asiad.
Chiến công của bóng đá nữ Việt Nam mới chỉ thấy nỗ lực của các cô gái theo kiểu vượt lên chính mình chứ không phải thản nhiên vào tốp 4 châu Á một cách bài bản.
Nên nhớ khi bóng đá nữ Việt Nam còn đứng trên đỉnh Đông Nam Á thì HLV Mai Đức Chung sau chuyến khảo sát bóng đá Thái Lan về đã đưa ra cảnh báo nền tảng của bóng đá Thái Lan là sự phát triển vững mạnh ở bóng đá học đường và đầu tư nghiêm túc của LĐBĐ Thái Lan ở mọi cấp.
Còn ta thì chỉ quan tâm mạnh khi gần có vé dự World Cup xong đâu lại vào đấy.
CÔNG TUẤN