Theo các chuyên gia thì lại không phải là lộ trình tốt cho mục tiêu quan trọng, đặc biệt là mùa giải năm nay cơ hội lên hạng của bóng đá TP.HCM sẽ rất lớn nếu dám đi và mạnh dạn làm.
Năm nay chỉ có tám đội hạng Nhất gồm TP.HCM, Phú Yên, Bình Phước, Nam Định, Công an nhân dân, Hà Nội, Đắk Lắk và trong danh sách này phần lớn là chọn chỉ tiêu giữ hạng hoặc thi đấu để lấy kinh nghiệm. Chính vì thế mà một đội có lực lượng tương đối ổn định lại nằm ở địa phương có điều kiện như TP.HCM mà không dám tính lên hạng trong mùa này cũng là tự mình đánh mất cơ hội quý. Cũng cần biết là mùa giải 2016 con số đội hạng Nhất sẽ tăng lên từ 10 đến 12 đội, trong đó có đội ở V-League rớt xuống và những đội ở hạng Nhì được đầu tư tốt như Viettel sẽ lên thi đấu.
Trước giải, LĐBĐ TP.HCM cũng được các chuyên gia tư vấn nên lấy mùa giải năm nay làm điểm nhấn để đặt mục tiêu lên hạng thay vì để đúng lộ trình là năm 2016. Tuy nhiên, ý kiến thực tế đấy lại gặp cái lắc đầu của những người đang gồng mình chịu trận và đổ kinh phí để nuôi đội TP.HCM.
Phải thừa nhận với bóng đá TP.HCM thì ông bầu Trần Anh Tú đang chịu nhiều gánh nặng trên vai, trong đó có việc ôm cả đội bóng TP.HCM lẫn các đội Futsal mà không được sự chia sẻ nào. Thậm chí là đội bóng mang tên TP.HCM nhưng trách nhiệm của các cấp và những đơn vị ở TP.HCM lại rất hời hợt. Ông Tú rất muốn đội TP.HCM lên hạng nhưng điều ông lo sợ là lên chuyên nghiệp rồi thì lại không kiếm đâu ra tiền để gồng gánh nuôi đội nên thà là cứ kéo dài chỉ tiêu.
TP.HCM vốn có truyền thống là cái nôi bóng đá của cả nước nhưng nay bàn đến chuyện kinh phí nuôi đội bóng thì bàn mãi không có lối ra và các cấp cứ thờ ơ. Giờ lại thấy thèm với một quyết sách như Đồng Tháp bằng mọi giá giữ đội bóng bắt đầu từ “nghị quyết” của UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp chung tay.
Bóng đá TP.HCM khổ khi cứ bị xem là “cha chung không ai khóc”?
NGUYỄN NGUYÊN