Bóng đá Việt Nam chưa coi mảng này là một nhiệm vụ trong khi ở Nhật thì đấy là điều mà các cầu thủ chuyên nghiệp Nhật xem là nghĩa vụ. Một lần có dịp trò chuyện với nhà báo Tokeshi của tờ Asahi Shimbun (Nhật) nhân anh này đến Việt Nam tìm hiểu về V-League. Tokeshi nói: “Ở Nhật cầu thủ dành thời gian rảnh đi làm việc cộng đồng đặc biệt ở các trường học, các tổ chức từ thiện”.
Anh Tokeshi tâm sự: “Cầu thủ Nhật rất bận rộn, họ ăn lương cao của CLB trong đó có điều khoản bắt buộc là phải có trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài giờ tập, thường là buổi sáng các cầu thủ Nhật hay gắn bó với việc xã hội, việc cộng đồng là dạy đá bóng. Điều này được các cầu thủ Nhật nói đùa là giống đi “giảng đạo” về túc cầu giáo vậy…”.
Anh Tokeshi cũng đưa ra một so sánh khi anh tìm hiểu về cầu thủ Việt Nam đó là các cầu thủ Việt rảnh rỗi nhiều quá, trong khi nhiệm vụ xã hội, cộng đồng thì hầu như không được khuyến khích và cũng không có trong bộ nhớ của họ.
Hồi HLV Calisto còn ở Việt Nam, ông cũng rất chú trọng với công tác xã hội và việc làm nhân văn mang tính cộng đồng lắm. Rõ nhất là trước và sau những giải đấu lớn, ông hay liên hệ với các bệnh nhi ung thư và các em có hoàn cảnh cơ nhỡ rồi tổ chức cho các tuyển thủ đi thăm các em và thậm chí là mang cúp vàng AFF đến tận nơi để các em hạnh phúc sờ vào. Ông Calisto từng tâm sự: “Tôi muốn các cầu thủ có nghĩa vụ với những công tác xã hội và mở lòng với những hoàn cảnh khó khăn, đồng thời cũng là cách nhắc nhở chính mình về trách nhiệm với cộng đồng để họ sống tốt hơn ngoài đời lẫn sân cỏ…”.
TẤN PHƯỚC