HLV Lê Văn Tú của đội bóng đá bãi biển Khánh Hòa thừa nhận ông có gọi điện thoại cho HLV Mai Văn Đức của đội Đà Nẵng thỏa thuận về việc thắng trận vòng bảng và thua trận chung kết. Tuy nhiên, ông Đức không đồng ý và sau đó các đội được cho là chơi sòng phẳng với nhau ở giải đấu vừa tổ chức tại Nha Trang.
Kết quả đội Đà Nẵng thua chủ nhà Khánh Hòa ở trận chung kết và thầy trò ông Mai Văn Đức nghi ngờ bị trọng tài ép nên không lên nhận giải nhì chung cuộc. Vài ngày sau đó, đoạn băng ghi âm dàn xếp trận đấu mà HLV Lê Văn Tú nói là trao đổi “cho vui” bị lọt ra ngoài khiến dư luận xôn xao trong ngán ngẩm vì những trò mèo vẫn còn quanh quẩn ở làng bóng quốc nội.
Đáng nói là hiện tượng tiêu cực trong bóng đá Việt Nam (VN) cứ xảy ra nhan nhản và đầy thách thức. Thế nhưng để tìm ra tiêu cực và xử lý triệt để làm gương không phải dễ dàng cho các nhà làm giải.
Môn bóng đá 11 người, HLV Võ Đình Tân nói rằng Khánh Hòa là đội duy nhất không xin, mua điểm. Ảnh: XUÂN HUY
Vài ngày sau thì bóng đá bãi biển Khánh Hòa bị tố là xin điểm rồi lật kèo để vô địch và VFF phải vào cuộc. Ảnh: CTV
Ví như ở giải Futsal vô địch quốc gia hồi tháng 4 cũng diễn ra tại Nha Trang, hai đội chủ nhà Sanvinest Sanatech Khánh Hòa để thua Sanvinest Sanna Khánh Hòa 3-4 chơi hòa nhã bất thường với nhau khiến dư luận phản ứng mạnh. Tuy nhiên, VFF cũng chỉ biết ra văn bản nhắc nhở và dọa dẫm nghiêm trị vì không thể truy ra bằng chứng họ tiêu cực.
Bốn năm trước, VFF có mạnh tay hơn khi trừ điểm hai đội Futsal Hải Phương Nam và Casanco cũng có hành vi nhường nhịn nhau tương tự. Chính cái cách xử lý hời hợt như thế đã làm cho dấu hiệu tiêu cực không hề giảm mà ngược lại còn lộ liễu hơn, gây mất niềm tin cho người yêu bóng đá.
Thậm chí ở giải trẻ U-19 quốc gia hồi tháng 3, VFF cũng không biết làm gì hơn ngoài việc nhắc nhở thái độ thi đấu thiếu tích cực của cầu thủ Phú Yên trong trận thua Hà Nội 0-1. Cái thua nhẹ ấy khiến cho giới cá cược trộn lẫn trên khán đài sân Pleiku ngỡ ngàng với dự báo Hà Nội phải thắng đội lót đường trên hai bàn thắng (!?).
Điểm lại những nghi án gần đây để thấy rằng ở các sân chơi ít người quan tâm, từ Futsal đến bóng đá bãi biển hay giải trẻ vẫn tồn tại dấu hiệu tiêu cực thì đấu trường V-League, hạng Nhất khó thoát khỏi tình trạng xin-cho.
HLV Võ Đình Tân vừa khẳng định xuyên suốt V-League, chỉ có Sanna Khánh Hòa là duy nhất đá sòng phẳng: “Dù có dư điểm, thiếu điểm hay thừa điểm cũng không xin điểm của bất kỳ ai. Tôi xin nói thẳng như vậy và Sanna Khánh Hòa tự hào về điều đó. Chúng tôi dù lâm vào hoàn cảnh nào, tình huống nào cũng thi đấu hết mình. Bản thân chúng tôi các mùa trước từng không ít lần nhận được đề nghị cho điểm. Bóng đá VN từ trước đến nay đều vậy, ai cũng biết mà có thay đổi được gì không?”.
Có rất nhiều người đồng tình với nhận định của HLV Võ Đình Tân và cũng có không ít người khó chịu vì cái chính là ông không đưa ra bằng chứng cụ thể nào. Hơn nữa, việc chứng minh các hành vi tiêu cực trong bóng đá không phải là nhiệm vụ của ông Tân. Chỉ đáng nói là VFF mùa nào cũng hô hào kết hợp với các cơ quan chức năng phòng và chống tiêu cực nhưng hiệu quả chưa thấy đâu.
Hậu quả là bóng đá VN lâu nay vẫn bấm bụng sống chung với tiêu cực biến tướng dưới nhiều dạng khác nhau trong niềm tin ngày càng suy giảm của giới hâm mộ.
Càng nguy hiểm hơn cho những cuộc chơi bóng đá khi mạng lưới cá cược bất hợp pháp không chỉ nhúng tay vào các giải vô địch quốc gia sân cỏ quen thuộc mà còn len lỏi vào nhiều giải đấu khác cứ ngỡ vô hại.
VFF yêu cầu cung cấp thông tin xử lý tiêu cực Liên quan đến sự cố băng ghi âm trao đổi dàn xếp tỉ số ở giải bóng đá bãi biển quốc gia, VFF đã yêu cầu các bên liên quan giải trình để tổng hợp hồ sơ và tiến hành các bước xử lý tiếp theo. VFF đồng thời đề nghị ban tổ chức giải báo cáo cụ thể sự việc đội Đà Nẵng bỏ về, không tham gia lễ trao các giải thưởng của giải để chuyển hồ sơ cho Ban kỷ luật VFF xem xét, xử lý. Các hành vi vi phạm (nếu có) sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định trong quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp, quy định về kỷ luật của VFF và điều lệ giải. |