Cũng không lạ khi ông Nguyễn Húp, lãnh đạo đội Quảng Nam, đã lên tiếng với giới truyền thông đề nghị hủy giải vì dịch COVID-19. Việc đề nghị hủy giải mà ông Húp đưa ra ý kiến gặp nhiều tranh luận lẫn phản ứng. Dưới góc độ của nhà quản lý thì CLB đã không thu lại cứ phải chi và chi ngoài kế hoạch cho quỹ lương cầu thủ khiến không ít nhà quản lý suy sụp.
Con số 30-40 tỉ đồng một mùa bóng như một số CLB đưa ra làm chuẩn có thể đội lên gấp rưỡi và thậm chí là gấp đôi nếu các đội vẫn cứ nhận được lộ trình đá lại theo kiểu chữa cháy kiểu nhảy cóc với 2-3 tuần một lần điều chỉnh.
Bởi với kiểu nhảy cóc trên thì các CLB dù tính phương án nào cũng vẫn phải để cầu thủ mình trong tư thế chuẩn bị để nếu giải trở lại là phải đảm bảo phong độ. Nhiều CLB ngưng hoạt động nhưng thực tế không dám cho cầu thủ mình nghỉ hoặc chuyển về chế độ ăn lương không thi đấu do phải sẵn sàng trong chế độ chờ.
Bóng không lăn nhưng các CLB vẫn phải trả lương đều đặn không thiếu, mà toàn là lương khủng. Ảnh: TRÂM ANH
Đã có những CLB tính toán với cầu thủ theo kiểu giảm lương vì khó khăn chung nhưng gặp tình trạng hoặc cầu thủ không đồng ý, hoặc miễn cưỡng chấp nhận nhưng bất mãn. Và xét cho cùng thì lãnh đạo đội bóng nào cũng sợ cầu thủ mình bất mãn bởi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
Bóng đá Việt Nam mang đặc thù mà hầu như CLB nào cũng chung một số phận, đó là không tự nuôi được mình mà phải thở bằng ống thở của doanh nghiệp, của ông chủ đổ tiền cho bóng đá. Với kiểu có đầu tư đội bóng thì được địa phương ưu ái với những dự án và “dễ làm ăn” hơn rồi đổ tiền ngược cho đội bóng sẽ dễ làm các đội khủng hoảng hơn là đội bóng tự thu tự chi.
Thế nên việc muốn bóng lăn sớm sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề. Nguồn thu cho đội bóng, nguồn thu cho cầu thủ và nguồn thu cho cả một bộ máy vận hành cùng giải đấu như lực lượng giám sát, trọng tài…
Nhưng bóng lăn sớm bây giờ không nằm trong phán quyết của những nhà làm giải nữa rồi.
Thế nên khổ nhất vẫn là các đội đã không có tiền lại phải è cổ trả lương cho cầu thủ ở chế độ chờ.