Thoạt đầu nghe ông Đoàn Minh Xương nói bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang chạy theo các ông bầu và phục vụ cho các ông bầu, chắc chắn sẽ có nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi chuyên gia này phân tích thì rất nhiều người đồng cảm.
Nói như Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển thì phải cảm ơn bầu Hiển vì ông bỏ tiền đầu tư, gầy dựng nhiều đội bóng nên tạo được mặt bằng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rất rộng cho V-League. Tuy nhiên, phân tích của chuyên gia Đoàn Minh Xương thì lại cho rằng nguy hiểm của bóng đá Việt Nam là nhiều đội bóng đang bị biến thành sân chơi và là chỗ làm ăn của các ông bầu.
Rõ ràng là các ông bầu một năm bỏ 40-50 tỉ đồng và thậm chí hơn nữa cho một đội bóng nhưng hãy nhìn vào bản chất của các đội chuyên nghiệp thì đã có đội nào tự nuôi sống mình hay làm bóng đá để phục vụ xã hội?
17 năm lên chuyên nghiệp mà bóng đá Việt Nam mới chỉ có một CLB chuyên nghiệp đích thực theo nhận xét của người chấp bút đề án bóng đá chuyên nghiệp - ông Phạm Ngọc Viễn. Ảnh: HUY PHẠM
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh với chi phí như thế ở giải chuyên nghiệp có 14 đội bóng, một năm bình quân các đội mất từ 560 tỉ đến 700 tỉ đồng. Tính cả chi phí tổ chức giải nuôi hệ thống trọng tài, giám sát… mỗi năm mất hơn 1.000 tỉ đồng chỉ riêng cho V-League nhưng đã phục vụ được gì cho xã hội?
Ông cho rằng người hâm mộ lạnh nhạt và mùa giải nào cũng nghi ngờ vào tính trung thực, vào sự sắp xếp cho đội này vô địch dịp lễ của tỉnh này, đội kia vô địch cho sự kiện quan trọng của tỉnh kia thì mục đích bóng đá phục vụ cho xã hội hoàn toàn không có. Nó chỉ là cuộc chơi của các ông bầu đổ tiền vào bóng đá cho tỉnh này để được những ưu đãi, những đặc quyền và những dự án của tỉnh đấy, rồi ngắt phần rất nhỏ trong lãi ròng từ các dự án được ưu đãi đấy mà nuôi bóng đá. Giám đốc điều hành Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam vô tình thừa nhận điều trên: “Quảng Nam khai thác khoáng sản và có tài trợ (nhà tài trợ cũng là đơn vị được hưởng những ưu đãi khai thác khoáng sản - NV) nên dư thừa kinh phí để đá các cúp châu Á!”. Phát biểu trên vô tình cho thấy quặng và khoáng sản của địa phương nuôi bóng đá chuyên nghiệp chứ không phải bóng đá chuyên nghiệp tự nuôi chính mình theo đúng quy chuẩn của một đội chuyên nghiệp.
Tương tự như Quảng Nam là một CLB mới lên hạng mùa qua sẵn sàng chi rất đậm để làm bóng đá nhưng bù lại thì đơn vị đầu tư cho đội bóng được hưởng ưu đãi từ địa phương cho khai thác toàn bộ quảng cáo trên một tuyến đường “vàng” đẹp nhất. Và chỉ một hợp đồng quảng cáo cho một thương hiệu bia nổi tiếng chạy trên tuyến đường vàng đấy mà đơn vị trên đã ôm hơn 70 tỉ đồng, dư sức để nuôi lại đội bóng.
Cuộc chơi của các ông bầu mà chuyên gia Đoàn Minh Xương chỉ ra đó là lấy tiền của công trình hay dự án này mà nuôi lại đội bóng thì không thể phát triển bóng đá chuyên nghiệp đích thực.
V-League và các giải chuyên nghiệp cứ sống bằng tiền làm ăn của các ông bầu như thế nên thường bị lái cuộc chơi thành sân riêng và mục đích của các ông bầu.
17 năm lên chuyên nghiệp rồi mà bóng đá Việt Nam vẫn cứ chưa phục vụ xã hội.