Bóng đá VN chuẩn bị mùa giải mới: Tiền, tình, tội…

Mùa giải mới chuẩn bị nhưng hậu quả của mùa giải cũ vẫn còn đang diễn ra và làng bóng Việt lại vất vả với những toan tính cho mùa giải mới…

Tiền…

Hình ảnh cầu thủ Quế Ngọc Hải ôm ba lô tiền hơn 800 triệu đồng tìm đến lãnh đạo đội SHB Đà Nẵng để “trả nợ” và để “sạch án” có cả bi lẫn hài. Theo đúng bản án thì Hải phải làm việc trực tiếp với Anh Khoa về khoản bồi thường nhưng lâu nay anh vẫn cứ phải qua lãnh đạo đội SHB Đà Nẵng và bị làm khó.

Cũng cần giải thích thêm phần tiền tạm ứng để chữa trị cho Anh Khoa là do lãnh đạo đội SHB Đà Nẵng cầu cứu bầu Hiển ứng trước nhưng phần “ghi nợ” thì gia đình Anh Khoa phải làm cam kết với lãnh đạo đội SHB Đà Nẵng. Vì thế mà cha của Anh Khoa từng chia sẻ là con ông gặp nạn và người ta nói sẽ có đền bù khoản chữa trị. Thế nhưng ông cứ lo lỡ cái cậu làm gãy chân con ông không có tiền đền thì gia đình ông phải bán nhà để trả cho SHB Đà Nẵng.

Thế nên khi Quế Ngọc Hải thanh toán thì được lãnh đạo SHB Đà Nẵng chỉ qua nhà cầu thủ Anh Khoa. Đếm đủ số tiền bồi thường xong gia đình Anh Khoa vội vàng ôm ba lô tiền đấy tìm đến nhà lãnh đạo đội SHB Đà Nẵng để trả theo đúng với cam kết “vay mượn” trong việc chữa trị cho con.

Khoản tiền hơn 800 triệu đồng với một cầu thủ chưa đến tuổi chuyển nhượng là quá lớn nhưng với một đội bóng có khi lại là chuyện rất nhỏ. Thế mà thời gian qua vì khoản tiền đấy mà cứ căng nhau và lấn át cả cái tình mà trước đây SL Nghệ An đã “cưu mang” SHB Đà Nẵng.

Hơn 800 triệu đồng có thấm vào đâu so với số tiền tỉ lên đến hơn hàng chục mà một ông bầu từng “trải thảm” để đánh đổi lấy chức vô địch đúng thời điểm hoặc để chọn những trọng tài “cạ” phục vụ cho chức vô địch vào dịp đại lễ. Vì vậy có ý kiến cho rằng khi bầu Đức bỏ tiền túi giúp Quế Ngọc Hải 400 triệu đồng để đền bù cũng là trò dằn mặt một ông bầu khác có thể đứng ra giải quyết vụ lùm xùm quanh cái chân gãy.

Quế Ngọc Hải mang ba lô tiền bồi thường đến và sốt ruột ngồi chờ đếm. Ảnh: THỂ THAO 24 GIỜ

Hội thảo VPF tổ chức chuẩn bị cho mùa giải mới và hàng loạt vấn đề được đặt ra nhưng chưa gút lại. Ảnh: QUANG THẮNG

Tình…

Giám đốc điều hành CLB SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh rất ít khi phát biểu nhưng lần này thì ông lấy chữ tình để chỉ trích những người làm bóng đá mà cạn tình. Ông dẫn chứng SL Nghệ An từng chịu thiệt rất nhiều qua việc sẵn sàng hoãn trận đấu ở sân Vinh với SHB Đà Nẵng để giúp cả đội này điều trị bệnh khi bị ngộ độc thực phẩm và có tính toán chuyện tiền nong gì đâu. Bây giờ thì đội ông và học trò ông lại được “trả nghĩa” bằng trò “cân, đong, đo, đếm” dồn xuống đầu Quế Ngọc Hải như thế.

Ông Thanh chắc chắn hiểu rằng lãnh đạo đội SHB Đà Nẵng có những lúc không chủ động được các khoản chi nhưng việc muốn kéo dài “vụ án” và quàng cho Quế Ngọc Hải những phần hậu điều trị rồi còn tính 830 triệu ++ vào nữa thì đúng là hết tình.

… Tội

Đúng vào thời điểm Quế Ngọc Hải vừa ôm tiền đi đền bù xong thì VFF và VPF sửa luật. Việc câu giờ không sửa lên cái sai dẫn đến một phán quyết chẳng giống ai vì dựa vào điều luật trong quy chế bóng đá nằm trên cả luật pháp Việt Nam khiến cả làng bóng rối tinh và các nạn nhân khốn đốn.

Tội ở chỗ sao ai cũng biết mình sai nhưng sao không sửa ngay khi vừa tuyên án và thấy sai mà lại kéo dài đến khi án sai được thực hiện?

Tội còn ở chỗ những lời hứa trái luật với bầu Trường khi thỏa thuận đưa vụ bán độ của V. Ninh Bình ra ánh sáng rồi sẽ cho bảo lưu suất chuyên nghiệp (!?). Sự vụ này vỡ lở khiến nhiều người nghi ngờ cả tính cao thượng của một ông chủ sẵn sàng làm sạch đội bóng bằng những thương lượng để đội không xuống hạng. Nó khiến nhiều đội bóng khác cười thầm nhủ với nhau cứ chấp nhận sống chung với lũ và đừng dại mà “lạy ông con ở bụi này”.

Tội còn ở chỗ một đội bóng được hướng dẫn làm công văn xin không đá để được “giải quyết khó khăn” nhưng kết quả lại là suýt mất suất vì người ta dựa vào đấy mà mở cửa cho đội khác thế suất.

Bao giờ thì bóng đá Việt Nam mới thay cho những bực bội, bức xúc bằng những cách hành xử tử tế đúng chất chuyên nghiệp?

VFF và VPF có dám chống tiêu cực hay không?

VPF đã chọn Công ty Sportrada làm đối tác và hai bên đã bắt tay với mức giá 1 tỉ đồng cho mùa giải 2016, trong việc phòng, chống tiêu cực, cá độ. Qua đó với việc phân tích dữ liệu và các nghiệp vụ của mình, Sportrada sẽ tư vấn cho VPF những điểm nóng để phòng một cách hiệu quả nhất. Và vấn đề còn lại là bóng đá Việt Nam có quyết liệt xử lý tiêu cực không hay lại vo tròn như hồi lập Ban tư vấn đạo đức rồi thấy tiêu cực nhiều quá và chọn giải pháp giải tán ban này.

Các CLB đề nghị minh bạch và rạch ròi cách chia tiền

Các CLB là những cổ đông đóng góp cho sự phát triển lẫn kiếm tiền cho VPF nên đề nghị VPF khi có cổ tức thì phải được chia đều như nhau.

Các CLB lên tiếng VPF phân chia theo xếp hạng là đúng nhưng chia tiền lợi nhuận mà VPF lại dùng từ “hỗ trợ CLB” là không đúng. Đề nghị đưa ra là VPF thu tiền về, sau khi trừ chi phí thì phần lãi là cổ tức và phải chia đều cho các cổ đông theo tỉ lệ góp vốn.

Các CLB phản ánh họ phải chịu thuế chồng thuế, thẻ chồng thẻ đó là khi cầu thủ bị thẻ, VPF trừ tiền phạt luôn nhưng đến lúc chấm điểm hỗ trợ kinh phí thì lại trừ tiếp một lần nữa nên như thế là không minh bạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm