ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM:
Ban Kỷ luật VFF làm thay tòa án
Nguyên tắc bồi thường trước hết phải theo thỏa thuận: Thỏa thuận về mức bồi thường, phương thức bồi thường, hình thức bồi thường… Nếu không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hai có quyền khởi kiện, khi đó tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Ở đây VFF quyết định thay cho tòa luôn là không đúng.
Lẽ ra trong quy định về kỷ luật (ban hành kèm theo Quyết định số 551/QĐ-LĐBĐVN), VFF chỉ nên quy định chung chung là vấn đề bồi thường thiệt hại hay thanh toán chi phí cho việc chữa trị chấn thương… được giải quyết theo quy định của pháp luật. Đằng này tại khoản 3 Điều 39 của quy định, VFF lại ghi rõ người vi phạm (ở đây là cầu thủ) phải chịu hoàn toàn chi phí là trái với quy định của BLDS. Vì vậy, trong quyết định phạt cầu thủ Quế Ngọc Hải, VFF buộc Hải phải chịu toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cũng sai luật luôn.
Quế Ngọc Hải (ngồi) với pha “vào bóng” gây chấn thương cho Trần Anh Khoa (giữa). Ảnh: CTV
Luật sư NGÔ ĐÌNH HOÀNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Trái BLDS Việt Nam và quy định của FIFA
Với pháp luật dân sự thì trường hợp này được xem là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó người bị buộc bồi thường (Quế Ngọc Hải) là người của pháp nhân (CLB SL Nghệ An) đang thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao (đá bóng). Vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Anh Khoa là pháp nhân (CLB SL Nghệ An) chứ không phải cầu thủ Ngọc Hải.
Cũng cần lưu ý người có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp này là cầu thủ Anh Khoa và SHB Đà Nẵng, dựa trên phán quyết của cơ quan tài phán có thẩm quyền (tòa án). VFF hoàn toàn không có thẩm quyền ra phán quyết về nghĩa vụ bồi thường và mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Ngoài ra, Quy định về kỷ luật của VFF là dựa trên Quy định về kỷ luật của FIFA bởi VFF là tổ chức thành viên của FIFA. Nhưng VFF lại “đẻ” ra luật mới (người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra) mà FIFA hoàn toàn không quy định.
Trong Quy định về kỷ luật của FIFA (ở Chương 2 - Phần các vi phạm cụ thể, Mục 1 - Xâm phạm thân thể), Điều 47 về Gây chấn thương quy định: 1- Cầu thủ cố tình xâm phạm thân thể hoặc gây thiệt hại đến sức khỏe người khác thì bị cấm thi đấu ít nhất bốn trận. Quan chức vi phạm thì bị đình chỉ ít nhất tám trận đấu. 2- Biện pháp đình chỉ sẽ được áp dụng ở các trận đấu thuộc mọi cấp độ (địa phương, quốc gia và quốc tế). 3- Trong mọi trường hợp, cơ quan xử lý sẽ áp dụng phạt tối thiểu 5.000 frăng Thụy Sĩ. Trong trường hợp vi phạm thuộc giải đấu theo lứa tuổi, mức phạt tiền có thể được giảm phù hợp.
Rõ ràng không có quy định nào về việc cầu thủ (gây chấn thương cho cầu thủ khác) phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra. Không hiểu VFF lấy đâu ra quy định này để đưa vào!
Luật sư NGUYỄN HƯƠNG QUÊ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên:
Phải để tòa giải quyết
Ông TRẦN MẠNH HÙNG, Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng:
Quy chế, điều lệ thông qua quá dễ dàng!
Cái anh “viết luật” nhiều khi cứ copy chỗ này một ít, chỗ kia một ít rồi đưa ra cho “cả nhà” bàn thảo nhưng họ đi họp, nhận quà rồi ăn tiệc và về chứ họ có bàn những cái sát sườn liên quan đến quyền lợi của cầu thủ, của đội bóng và của nền bóng đá nước nhà đâu! Chính cái “văn hóa đại khái” của bóng đá Việt Nam nó làm hại chúng ta rất nhiều. Luật sai thì phải sửa nhưng sửa luật thì cũng phải sửa cả cái “văn hóa đại khái”, du di của chính đại diện các đội bóng và của những người làm bóng đá nữa.
Cựu HLV đội tuyển Việt Nam Nguyễn Thành Vinh: “Sự bất lực của Liên đoàn!” Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Vinh (ảnh) nói: Chuyện Quế Ngọc Hải của SL Nghệ An nhận “bản án” phải thanh toán mọi chi phí chữa trị chấn thương cho Trần Anh Khoa của SHB Đà Nẵng nó thể hiện sự bất lực của LĐBĐ Việt Nam trong việc giáo dục cầu thủ. . Phóng viên: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì khi hậu vệ Quế Ngọc Hải bị áp theo Quy định về kỷ luật của VFF để bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa? + HLV Nguyễn Thành Vinh: Thật tình sáng nay (21-9) tôi mới nghe cái thông tin lạ đời này. Nhưng buồn cười hơn là khi VFF đưa ra quy định này thì đại diện các CLB lại nhất trí thông qua. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe một cái quy chế kỷ luật kiểu này mà nhiều mùa bóng trước tôi không hề thấy. Tôi cho rằng quy định kỷ luật kiểu này chẳng khác nào “bóng đá làng xã”, cứ như cái ao làng. . Ông có thể giải thích rõ hơn? + Tôi nói rằng VFF đã thay tòa án làm cái chuyện của luật dân sự, nó chẳng đúng, chẳng đâu vào đâu cả, kể cả về mặt tinh thần thể thao. Trên thế giới này chẳng ai làm vậy cả. . Không phù hợp tinh thần thể thao là như thế nào? + Trên thế giới đâu đó vẫn có những kiểu “vào bóng” như thế, tất nhiên ở đây chúng tôi không cổ súy. Nhưng bản chất của thể thao là đối kháng và quyết liệt, càng đối kháng quyết liệt thì thể thao càng hấp dẫn. Còn trường hợp Quế Ngọc Hải không ai ủng hộ. Nhưng kiểu ra án phạt như thế không khác gì triệt đi tính đối kháng của thể thao vì sẽ có nhiều cầu thủ lo ngại bị bồi thường mà không dám thi đấu có tính đối kháng cao, chẳng ai dám thi đấu quyết liệt. . Về việc đại diện các CLB trước đây thông qua quy định về kỷ luật thì sao, thưa ông? + Vâng, tôi thấy buồn cười là nó vô lý như thế mà lãnh đạo các CLB cũng thông qua. Điều này nó thể hiện tính bất lực của Liên đoàn, của CLB và cả các thầy dạy dỗ cầu thủ trong việc giáo dục cầu thủ về tinh thần đạo đức và xây dựng phong cách thi đấu. Tôi rất không đồng tình với kiểu án kỷ luật này. . Ông nhắn nhủ gì với bóng đá Việt Nam? + Ở thời điểm này, Tổng cục TDTT cần đưa ra chính kiến của mình, không thể để một cái quy định kỷ luật của bóng đá chuyên nghiệp lạ đời kiểu này, nó sẽ ảnh hưởng đến tính ganh đua, tinh thần chiến đấu và sự cống hiến. Chưa nói nếu gia đình Anh Khoa đưa con mình sang Đức, Mỹ hay gặp BS Moss chữa trị thì chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng. Khi ấy Ngọc Hải lấy tiền đâu mà bồi thường? Hoặc xấu hơn là nếu Anh Khoa giã từ sự nghiệp thì Hải sẽ bồi thường ra sao, trong khi Khoa là lao động chính của gia đình? Hải nuôi gia đình Anh Khoa cả đời à? Cần phải sửa đổi gấp quy định này. Bóng đá có những quy định riêng nhưng nó phải phù hợp với luật pháp chứ không thể quy định VFF thay tòa ra phán quyết về bồi thường như vậy được. TẤN PHƯỚC thực hiện |