Nhưng sau đó thì người hâm mộ cả nước lại tranh luận và lên án việc áp mức án không giống ai lên Quế Ngọc Hải.
Quế Ngọc Hải phải nhận án phạt cho hành vi bạo lực của mình gồm: Nộp phạt 15 triệu đồng; bị treo giò sáu tháng (trong những giải do VFF tổ chức); bồi thường cho Anh Khoa toàn bộ tiền phí tổn cho việc chữa trị chấn thương.
Ở đây phần 15 triệu đồng nộp vào quỹ của VFF không ai bàn tới. Phần treo giò sáu tháng tưởng là nhiều nhưng thực chất chỉ là năm, sáu trận ở V-League mùa 2016 (nếu Hải còn thi đấu). Riêng phần bồi thường toàn bộ tiền chữa trị thì rõ ràng là không ổn dù Điều 39 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có quy định thế.
Có thông tin nói rằng đã có những cuộc điện thoại trao đổi giữa thành phần “gây nạn” (Quế Ngọc Hải và lãnh đạo đội SL Nghệ An) và bên “gây” nói rằng sẵn sàng bồi thường với hy vọng được giảm án bởi yếu tố thiện chí khắc phục sự cố.
Nay mai CLB SHB Đà Nẵng đưa Anh Khoa sang Mỹ hay sang châu Âu điều trị với số tiền từ vài chục đến vài trăm ngàn USD thì Quế Ngọc Hải cũng phải gánh? Ảnh: CTV
Tất nhiên ở đây không ai nghĩ đến phần chữa trị phức tạp và thậm chí là có thể chữa trị cả đời. Và số tiền cho một ca phẫu thuật nối dây chằng cùng nhiều phần phụ khác có thể từ nửa tỉ lên đến hơn 1 tỉ đồng tùy trường hợp. Trong khi lương cả năm đá bóng của một cầu thủ chưa đến tuổi chuyển nhượng như Quế Ngọc Hải chẳng là bao.
Qua vụ việc này phải thấy rằng luật của VFF thì có nhưng rất tùy tiện. Cũng cần biết là một khi đã được đưa thành quy chế thì phải qua nhiều bộ phận và được ban chấp hành VFF, được các CLB thông qua nhưng phần lớn các “quan” đi họp và các “quan” ở CLB cũng rất ấm ớ chỉ đi cho có tụ và giơ tay biểu quyết chứ không đào xới những vấn đề gai góc, bất hợp lý.
Điều 39 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có quy định (trích): Trường hợp có hành vi xâm phạm thân thể nghiêm trọng có thể bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn, phạt tiền tối thiểu 10 triệu đồng… Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra. Xin hỏi khi thông qua quy chế có phần liên quan đến cá nhân cầu thủ thì có đại diện cho tầng lớp này tham gia không. Bên cạnh đó các lãnh đạo đội bóng và nhiều thành phần bóng đá bây giờ thấy bất hợp lý thì mới “À, có quy định đó à!”.
Ban Kỷ luật không xử phi luật nhưng “bộ luật” của VFF thì đầy rẫy sự tùy tiện, trong đó có những khoản đền bù vô chừng mà FIFA và các quốc gia chẳng ai lẫn lộn chuyện trên sân thành chuyện bồi hoàn như lái xe gây tai nạn cả.
FIFA có thể tước quyền của một cầu thủ trong đời sống bóng đá nhưng không bao giờ gắn trách nhiệm của một cầu thủ với một cầu thủ bằng những án phí ngoài đời.
Nguy hiểm là ta đang sáng tác luật và cả làng chạy theo cái luật sáng tác không giống ai đấy cho đến khi đụng trường hợp rồi mới “À ra thế!”.