Sáng 31-8, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) tiếp tục tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo kiểm tra liên quan đến việc phân lô, tách thửa trên địa bàn.
Trước tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan ở nhiều huyện, TP trên địa bàn tỉnh BR-VT cũng như phản ánh của báo chí trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra và chỉ rõ nhiều vấn đề sai phạm.
Các “dự án” nhà ở cá nhân tự phân lô chưa đúng quy định
Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh BR-VT, cho biết UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đối với các tổ chức và cá nhân tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phân lô, tách thửa trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TP Bà Rịa từ cuối năm 2017.
Theo kết quả kiểm tra sơ bộ, tại TP Bà Rịa có Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings và bảy cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với diện tích các khu đất phân lô từ 8.600 m2 đ?n 38.200 mến 38.200 m2; huyện Châu Đức có Công ty TNHH Cali Green Park đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với diện tích khoảng 9.900 m2; huyện Xuyên Mộc có ba cá nhân với diện tích các khu đất phân lô từ 13.200 m2 đến 32.000 m2.
Ngoài ra, đoàn cũng thanh tra, rà soát toàn diện về cơ sở pháp lý và thực địa công trình liên quan đến các dự án Barya Citi tại TP Bà Rịa và việc phân lô, bán nền dọc tỉnh lộ 44A - khu ruộng muối, huyện Long Điền theo chỉ đạo của tỉnh ngày 7-8 mới đây như báo chí phản ánh.
Kết quả chỉ ra số đã có chủ trương chấp thuận đầu tư của huyện là 17 trường hợp, trong đó bảy trường hợp đã có giấy phép xây dựng; 10 trường hợp đã có văn bản chấp thuận thi công; 13 trường hợp đang xem xét, khảo sát.
Theo ông Hưng, đối với các dự án do các tổ chức thực hiện cơ bản tuân thủ theo các quy định về đầu tư dự án nhà ở. Nhưng đối với các cá nhân, đa phần tự tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở để phân lô theo quy định tại Quyết định 23/2017/QĐ-UBND. Sau đó chuyển nhượng đất thì về trình tự và các thủ tục pháp lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo theo quy định.
Ông Hưng cho biết thêm các “dự án” trên chỉ được huyện chấp thuận chủ trương bằng văn bản kèm bản vẽ tổng mặt bằng khu đất. Việc tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật khi chưa được xem xét cấp giấy phép xây dựng là không đúng theo Luật Xây dựng. Đa số hệ thống hạ tầng kỹ thuật thi công chưa đảm bảo kết nối với khu vực (cao độ nền, cấp nước, thoát nước...); chất lượng công trình không được giám sát, đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng.
Khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua nền đất các dự án ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: K.LY
Sẽ công khai thông tin dự án nhà ở thương mại
Sở Xây dựng nhìn nhận rất nhiều “dự án” xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phân lô, tách thửa trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện đúng với quy định. Cụ thể, chưa thực hiện đầu tư dự án nhà ở theo quy định mà tự phân lô và chuyển nhượng quyền sử dụng nhiều lô đất với số lượng lớn.
Vì vậy, cần rà soát các trường hợp đã và đang thực hiện việc tách thửa có hình thành đường giao thông theo Quyết định 23. Để đánh giá cụ thể cần phải đảm bảo phù hợp về quy hoạch xây dựng, kế hoạch, nhu cầu sử dụng đất; quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
“Công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Sở Xây dựng các nội dung cơ bản của từng dự án xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh. Qua đó, người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu về pháp lý và tiến độ triển khai theo quyết định phê duyệt (văn bản chấp thuận) chủ trương đầu tư của dự án.
Tăng cường kiểm tra đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xây dựng. Tiến hành xử lý nghiêm khắc, công khai khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng...” - ông Hưng kiến nghị.
Cần thanh tra để chấn chỉnh
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT, cho hay để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng phân lô, bán nền với số lượng nền lớn như trên, trước hết sẽ phải điều chỉnh Quyết định 23, khống chế diện tích tối thiểu, quy mô về số lô được tách.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, khẳng định quy định và quản lý còn nhiều sơ hở nên một số cá nhân lợi dụng để thực hiện việc phân lô, tách thửa. “Chúng ta phải chấn chỉnh ngay, nếu không sẽ phá nát đô thị. Như báo chí phản ánh ở huyện Long Điền, đất đang sản xuất ruộng muối chuyển đổi thành đất ở, phải xem lại” - ông Trình nói.
Theo ông Trình, báo cáo của Sở Xây dựng trong buổi họp là chung chung, chưa thực sự nêu rõ thực địa, hiện trạng, phê duyệt ra sao. Sắp tới sẽ thanh tra các dự án lại rồi báo cáo để chấn chỉnh. “Ở dưới địa phương phải quản lý chặt việc phân lô, bán nền, rà soát trong các hồ sơ đang tồn đọng với thực tế mặt bằng thẩm định có đúng không. Còn những hồ sơ mới tiếp nhận sau quyết định tạm dừng phân lô, bán nền (giữa tháng 8-2018) phải đợi chỉnh lý xong Quyết định 23, sẽ họp vào tuần tới để tiếp tục xử lý” - ông Trình nhấn mạnh.
Ruộng muối thành đất nền Ngày 13-8, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Long Điền, BR-VT: Đất ruộng bỗng thành… dự án!” phản ánh tình trạng vài tháng gần đây một số chủ đất tự ý phân lô, tách thửa để bán nền. Bên cạnh đó, các công ty bất động sản đua nhau gom đất ruộng muối dọc tỉnh lộ 44 từ Bà Rịa về Long Hải, Long Điền, tự “thiết kế” dự án với những cái tên nghe thật kêu như Golden Central Park, The Sunny, Moon Lake rồi quảng cáo, rao bán rầm rộ. Chủ đầu tư hứa hẹn sau khi mua nền một tháng sẽ ra “sổ đỏ” cho khách hàng. Theo đó, nhà đầu tư các tỉnh lân cận đổ xô xem đất rất đông. Giá đất tại huyện Long Điền cũng liên tục bị đẩy lên cao. |