Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, VKSND tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can trong sự cố chạy thận khiến 8 người tử vong. Sự việc nhanh chóng được dư luận xã hội và đội ngũ những người làm công tác y tế quan tâm, đặc biệt là quyết định truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình hình trên, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm khoa học "Những vấn đề pháp lý đặt ra về trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương".
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia ngành y, chuyên gia pháp luật đều cho rằng việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương (Khoa hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án này là chưa hợp lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương là chưa hợp lý. Ảnh: TUYẾN PHAN
Sự cố lịch sử của ngành lọc máu
“Tôi cảm thấy rất đau xót!” - GS Nguyễn Nguyên Khôi, nguyên trưởng khoa Thận Nhân tạo bệnh viện Bạch Mai, mở đầu hội thảo, khi nói về sự cố chạy thận khiến 8 người chết.
Với 50 năm gắn bó cùng ngành chạy thận nhân tạo và lọc máu Việt Nam, GS Khôi nói rằng đây là lần đầu tiên có tai biến khiến 8 người tử vong cùng lúc. Sự việc không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà nó còn là chuyện đáng tiếc không thể quên trong lịch sử ngành lọc máu và chuyên ngành thận nhân tạo thế giới.
Vị GS đặt ra một loạt vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình điều tra, xử lý trách nhiệm những người liên quan. Đó là: quy trình xử lý hệ thống RO thẩm thấu này do ai đề xuất; cơ quan nào thông qua; kiểm tra tồn dư hoá chất bằng cách nào; ai cung cấp hoá chất này; ai chịu trách nhiệm kiểm tra,… Về phía bệnh viện, ai nắm được quy trình này, quy trình đã thông qua những ai; Công ty Thiên Sơn có nắm được quy trình này hay không?,…
Theo GS Khôi, trong suốt 50 năm nghề lọc máu, giảng dạy nhiều thế hệ bác sĩ, ông chưa bao giờ phổ biến quy trình xử lý máy RO bằng Axit Flohydric này, mà chỉ dùng dung dịch Javen, Oxy già…
“Chúng tôi chưa bao giờ dùng Axit Flohydric để xử lý màng RO như vụ việc ở Hoà Bình. Trong văn liệu lọc máu không ai sử dụng chất này nhưng không hiểu vì sao lại sử dụng?” – vị GS đặt câu hỏi.
Ông cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương không thể biết trong nước lọc máu có chất Flohydric hay không và không có bất kỳ dụng cụ gì để xác định nó có tồn tại hay đã hết; vì vậy làm thế nào để xác định trách nhiệm của bác sĩ Lương?
Việc ra y lệnh cho bệnh nhân chạy thận là vì điều dưỡng thông báo đã an toàn. Khi sự việc xảy ra, bác sĩ Lương đã hết sức cấp cứu cho bệnh nhân và chính bệnh nhân cũng gửi đơn đến cơ quan pháp luật đề nghị xem xét với trường hợp của bác sĩ này.
“Cá nhân tôi đánh giá rằng bác sĩ Lương đã hoàn thành trách nhiệm của mình” – GS Khôi nói.
“Không thể nếm để biết nguồn nước đảm bảo chưa”
Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Chi hội trưởng Chi Hội Luật gia, Bộ Y tế, cho biết trong suốt 32 năm công tác trong ngành y tế, chứng kiến nhiều sự cố y khoa, đây là lần đầu tiên ông được thấy tình cảm của cộng đồng xã hội, bệnh nhân, đồng nghiệp đối với bác sĩ Lương nhiều đến thế.
Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Chi hội trưởng Chi Hội Luật gia, Bộ Y tế
Ông cho rằng việc truy cứu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng phải quan tâm đến số phận nghề nghiệp của bác sĩ Lương, cáo trạng có thực sự thuyết phục và đúng tội hay không?
Trong vụ án này, phải xác định được mối quan hệ giữa hành vi khách quan và hậu quả gây ra. Nguyên nhân dẫn tới 8 người tử vong là do hàm lượng Floura cao gấp hàng trăm lần cho phép, tức là do quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị RO chứ không phải do điều trị.
Như vậy, chủ thể của tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc sửa chữa đường ống, không phải là bác sĩ Lương.
“Bác sĩ Lương được đào tạo để cấp cứu, chữa trị cho người bệnh, việc bảo dưỡng, bảo trì là do bộ phận có trách nhiệm của bệnh viện. Bác sĩ không phải là người chịu trách nhiệm của vật tư y tế hay chất lượng thuốc…” – ông Quang nói.
Theo vị này, do không có quyền hạn liên quan đến việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thông nên bác sĩ Lương không kiểm tra là điều bình thường. Và nếu có kiểm tra thì cũng không thể vì không được đào tạo, không có kiến thức, không có thiết bị. “Càng không thể sờ, nếm hay ngửi để kết luận nguồn nước có đảm bảo chất lượng hay không” – ông Quang nhấn mạnh.
Cáo trạng quy buộc bác sĩ Lương không báo cáo trưởng khoa, nhưng giả định có báo cáo, ông Quang cho rằng trưởng khoa cũng không thể biết nguồn nước đã bảo đảm tiêu chuẩn hay chưa, hậu quả chết người vẫn có thể xảy ra.
“Việc truy tố bác sĩ Lương là không có căn cứ, đề nghị tòa án sau khi xem xét, nếu không làm rõ được căn cứ pháp lý thì tuyên vô tội, tránh oan sai. Nếu xét xử bác sĩ Lương theo đúng tội danh này, chưa bao giờ việc hành nghề của bác sĩ không an toàn như hiện nay. Bị đánh, bị chửi, rồi có thể phạm tội bất cứ lúc nào vì một nguyên nhân ngoài yếu tố chuyên môn” – ông Quang kết luận.