Sáng 7-10, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận.
Thiệt hại 1,5 tỉ đồng
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bình Thuận có tiềm năng khá phong phú, dồi dào về du lịch sinh thái biển gắn liền với 23 di tích lịch sử, văn hóa đã được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia.
Tuy nhiên, gần đây vấn đề môi trường, thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh, nhất là đối với ngư dân.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng: "Nhân dân lo lắng về an toàn tính mạng của ngư dân trên biển". Ảnh: HOÀNG ANH
“Cá nuôi tại lồng bè khu vực Lạch Dù, xã Tam Thanh (Phú Quý), Vĩnh Tân (Tuy Phong) chết đột ngột do thời tiết thay đổi làm ảnh hưởng đến nguồn nước, ước thiệt hại về kinh tế của các hộ nuôi hơn 1,5 tỉ đồng”, báo cáo do Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng trình bày cho hay.
Theo báo cáo này, vấn đề ô nhiễm môi trường, việc sử dụng chất cấm, chất tăng trưởng trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng, gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tình trạng đánh bắt hải sản bằng chất nổ, nạn giã cào bay hoạt động sai tuyến gây thiệt hại về phương tiện đánh bắt, ngư lưới cụ và đe dọa đến an toàn tính mạng của ngư dân hoạt động trên biển... đã gây lo lắng trong nhân dân.
Môi trường nhiệt điện Vĩnh Tân cần xử lý
Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong với bốn Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và Bến Cảng tổng hợp Vĩnh Tân - giai đoạn 1 đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến nay, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào hoạt động ổn định; các dự án còn lại đang triển khai xây dựng. Nhưng thời gian qua, trong quá trình thi công và hoạt động, các dự án trên đã gây ô nhiễm môi trường, nhất là từ khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, phát sinh bụi, xỉ than…
Những năm gần đây nhất là từ năm 2015, hiện tượng xâm thực bờ biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân liên tục gây sạt lở bờ biển làm ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương.
Do nguy cơ tiềm ẩn về sự cố môi trường tại các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là rất lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Đoàn công tác có ý kiến với các bộ, ngành liên quan sớm rà soát đánh giá lại tổng thể các tác động đối với môi trường của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, để có các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường một cách căn cơ, bảo đảm an toàn môi trường ở mức cao nhất.
Cần minh bạch để tránh xung đột
PGS-TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, nhận định: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng cần tiếp tục làm rõ tác động đối với môi trường nước và ô nhiễm biển.
“Vừa qua việc di dời san hô ở Vĩnh Hảo là do ảnh hưởng của dự án này. Cần phải thường xuyên giám sát, có quan trắc, bởi sau khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì quá trình vận hành là có vấn đề. Phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn vùng, kể cả ở Ninh Thuận, chứ không đơn thuần là báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đó” - ông Tuấn khuyến nghị.
PGS Võ Sỹ Tuấn: "Vấn đề môi trường gây phân hóa xã hội và xung đột giữa người dân với doanh nghiệp". Ảnh: HOÀNG ANH
Ông Võ Sỹ Tuấn cũng cho rằng: Tình hình ô nhiễm môi trường thực tế nặng nề hơn nhiều so với những báo cáo. Vấn đề môi trường đang gây phân hóa xã hội, gây xung đột giữa doanh nghiệp và người dân.
“Thông điệp “chọn cá, tôm hay chọn thép” là một ví dụ. Nguyên nhân của xung đột là do chưa có sự minh bạch, dân thiếu thông tin trong khi nhiều doanh nghiệp thì chưa rõ ràng.