Cà Mau có ông Hoàng Em sửa điện 0 đồng

(PLO)- Từ hơn 10 năm qua, bà con ở đây đã phong “thợ điện 0 đồng” cho Hoàng Em. Bởi bất kỳ nhà ai hư điện trong xóm này, cứ alô là Hoàng Em đến giúp, kể cả lúc nửa đêm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lê Hoàng Em còn có tên gọi khác là Hoàng Khào, bởi trước đây anh nói chuyện rất khào. Có người ác mồm phán anh nói chuyện kháp kháp như vịt xiêm lai. Bây giờ thì anh nói chuyện rổn rảng như cha Tư Hậu trong cải lương Tiếng hò Sông Hậu vậy.

Đổi giọng nói là một câu chuyện thú vị ở Hoàng Khào. Nhưng ở anh còn một câu chuyện khác, vừa thú vị vừa có ý nghĩa động viên những cách sống tốt đẹp thời nay.

Anh Lê Hoàng Em ngày đêm sẵn sàng sửa điện miễn phí cho dân cả ấp Tân Phú. Ảnh: TRẦN VŨ

Anh Lê Hoàng Em ngày đêm sẵn sàng sửa điện miễn phí cho dân cả ấp Tân Phú.
Ảnh: TRẦN VŨ

Hoàng Khào sửa ngon hơn thợ điện

Ngày 17-4 mới đây, anh Hoàng Em có lịch sửa điện cho hai gia đình ở ấp mình (ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau).

Anh đội cái nón tai bèo xanh, quảy ba lô đồ nghề, cuốc bộ dài theo xóm. Bà con trong xóm gặp anh cứ hỏi “đi sửa điện nhà ai vậy Hoàng Khào?”.

Từ hơn 10 năm qua, bà con ở đây đã phong “thợ điện 0 đồng” cho Hoàng Em. Bởi bất kỳ nhà ai hư điện trong xóm này, cứ alô là Hoàng Em đến giúp, kể cả lúc nửa đêm. Anh còn được mọi người kính nể bởi cái tính giữ lời và nhanh nhẹn.

Đi non cây số, Hoàng Em đến nhà bà Nguyễn Thị Thường. Bà mừng rỡ chào hỏi và dẫn anh đi ngay vào phía sau nhà, nơi có những trục trặc điện đóm cần sửa chữa.

Đó là những ổ điện đã quá cũ, được buộc tạm trên những cây dăng vách bằng gỗ. Một số ổ điện đã nám đen vì những tia lửa điện phóng ra. Đường dây điện bị chuột cắn lòi cả dây đồng, bà Hường sợ điện giật nên dùng bọc nylon buộc đùm buộc túm tạm lại.

Hoàng Em lấy đồ nghề ra, thao tác nhanh nhẹn như một thợ điện chuyên nghiệp lành nghề. Vừa sửa, anh vừa căn dặn bà Hường cách sử dụng. “Điện có hư thì cứ gọi tôi đến. Cô đừng có tự lấy bọc buộc thế này nguy hiểm lắm. Cái gì có thể giỡn, điện thì đừng” - Hoàng Em nói với bà Hường.

Nhân tiện, bà Hường kể với chúng tôi về Hoàng Khào: “Thiệt, nhờ có Hoàng Em mà cả xóm này khỏe cái vụ điện. Chứ nông thôn mà, muốn kêu thợ điện trần ai. Họ đến chậm, còn ăn tiền cao nữa. Thời buổi này, họ đi một chuyến đến sửa lặt vặt thôi cũng đâu dưới 100.000 đồng. Còn Hoàng Em thì alo cái là đến liền. Đêm hôm cũng đến. Cho tiền không lấy. Có nhét vô ba lô nó cũng lấy ra trả lại hết”.

“Sô” thứ hai của thợ điện 0 đồng Hoàng Em hôm nay là nhà chú Tô Văn Chiến, thường gọi Tư Chiến. Cũng như bà Hường, chú Tư Chiến ở nhà chỉ hai vợ chồng già, mắt yếu tay run, không tự sửa điện được nên có trục trặc điện là cứ gọi Hoàng Em. Và cũng như bao lần trước, Hoàng Em lẹ làng giúp ông sửa lại điện.

Trước khi ra về, Hoàng Em lại bị “ép” ngồi chơi với vợ chồng ông một lát để uống ly rượu đế, ăn vài con tôm luộc rồi mới được về.

“Nhờ có Hoàng Em mà cả xóm này khỏe cái vụ điện, cứ alo cái là đến liền, đêm hôm cũng đến. Cho tiền không lấy” - bà Hường nói.

Sống tử tế, được tử tế

Hoàng Em không phải thợ điện qua trường lớp. Anh thạo nghề điện gia dụng bởi từ 20 năm trước anh đã nuôi tôm công nghiệp, tiếp cận với điện 3 pha. Anh tự học hỏi và khi hiểu được nguyên lý hoạt động của điện, trải nghiệm thực tế việc lắp đặt, sửa chữa điện gia đình, đã mạnh dạn giúp cô bác trong xóm mình.

Có lần, cách đây vài năm, một đầm nuôi tôm công nghiệp trong ấp bị hư cầu chì tại bình điện ngoài trời đã nhờ đến anh. Anh leo lên cột điện đang còn có hệ thống điện hoạt động sửa chữa giùm.

Hành động đó khiến người ta càng công nhận tay nghề về điện của anh là tốt. Tuy nhiên, cũng có lời ra tiếng vào, rằng Hoàng Em không học qua trường lớp, làm vậy rất nguy hiểm. Lỡ mà có sự cố thì gia đình người nhờ sửa điện đền nhân mạng sao nổi. Bà con lý luận rằng thợ điện sửa mướn nếu có sơ suất thì tự chịu. Còn anh Hoàng Em toàn sửa giùm, bị tai nạn thì người nhờ sửa phải có phần trách nhiệm mới phải cái đạo ở đời.

Khi biết có lời ra tiếng vào như vậy, Hoàng Em chờ một cuộc họp ấp đã đứng lên phát biểu trước bà con. Hoàng Em bảo rằng anh biết rõ nghề nào cũng có cái rủi ro, sự cố. Anh đã ý thức từ đầu và đã nói với vợ con, lỡ mình có bị tai nạn thì đem xác về chôn, không yêu cầu gia đình bà con bồi thường, hỗ trợ gì cả.

Hoàng Em tuyên bố với cô bác cả xóm mình lời cam kết tự thân đó, để bà con an tâm mà nhờ sửa điện khi cần.

Cũng trong câu chuyện “thợ điện 0 đồng”, Hoàng Em tâm sự: “Tôi lo nhất cho cô bác là sự cố điện. Nó gây chết người rất dễ dàng, chỉ cần một chút sơ ý. Cho nên nghe bà con báo điện nhà mình có bất thường là tôi lo, tôi phải đến ngay để sửa. Qua đó mình nhắc bà con mỗi ngày một ít về ý thức sử dụng điện an toàn. Mà làm được vậy tôi rất vui”.

Hoàng Em là con liệt sĩ, bản thân tin tưởng vào khoa học, không dị đoan. Nhưng anh lại thấy rằng cuộc sống này như có luật nhân quả rõ ràng, sòng phẳng. Anh nói: “Hãy cứ tin tưởng đi. Mình sống tốt với người thì sẽ được người tốt lại. Hồi trước tôi nói chuyện đúng là như vịt xiêm lai. Một lần sửa điện giùm, bà con cho tôi địa chỉ của một bác sĩ ở TP.HCM, bảo cứ lên đó gặp ông ấy là hết khào. Không ngờ đúng thật”.

Khi đó, Hoàng Em lên TP.HCM với hy vọng mong manh, bởi trước đó anh đã đi rất nhiều bác sĩ nhưng cái giọng khào vẫn y bản chính. Không ngờ, khi gặp vị bác sĩ già ấy, ông cho một toa thuốc 900.000 đồng là giải quyết dứt điểm giọng khào của anh.

“Còn nhớ ông ấy đã ngoài 60 tuổi, nói chuyện sảng khoái, tếu tếu. Ông nói như nói đùa mà đúng bon. Ông bảo tôi cứ về uống hết toa này sẽ hát vọng cổ vang động, không cần tái khám. Y bon luôn” - Hoàng Em nói sang sảng.•

Hoàng Em sửa điện giùm bà con cả ấp mười mấy năm nay

“Nhờ Hoàng Em sửa điện giùm, bà con ấp này rất an tâm mà lại không tốn tiền. Hoàng Em đã làm hơn 10 năm nay, cả xóm ai cũng biết hết. Cả đêm cả hôm, bà con nhờ là Hoàng Em giúp ngay. Đặc biệt là chỉ làm giùm, không nhận tiền quà gì cả. Có cho cũng trả lại. Và Hoàng Em không bao giờ sửa điện mướn.” Ông DƯƠNG VĂN BÉ, Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm