Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên quốc lộ 1K, TP Dĩ An, anh Tâm ngồi trên giường, nét mặt nhăn nhó. Anh nhấc nhẹ cánh tay phải yếu ớt lên bả vai, tay còn lại liên tục xoa bóp cho dịu cơn đau nhức.
Anh Lê Minh Tâm: “Thực ra trở ngại lớn nhất của tôi chỉ là sức khỏe, ngoài ra không có gì cản trở được việc tôi làm”. Ảnh: NHẬT DIỄM |
Từng là “khắc tinh” của bọn tội phạm
Anh Tâm quê Đồng Tháp, cả gia đình lên mảnh đất Dĩ An lập nghiệp từ năm 2000. Hiện anh sinh sống cùng cha mẹ, vợ và con gái gần ba tuổi.
Trước đây, anh vốn là chàng thanh niên khỏe mạnh và hoạt bát trong Đội xung kích phòng chống tội phạm phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An. Suốt năm năm là thành viên trong đội, anh trở thành “khắc tinh” của những kẻ xấu. Cứ hễ nơi đâu có trộm cắp, có cướp giật là anh có mặt để bảo vệ sự bình yên cho phố phường. Khi ấy, người dân yêu mến nên gọi anh với biệt danh là “Tâm hiệp sĩ”.
Ghé thăm nhà anh, chúng tôi ấn tượng bởi hàng chục tờ giấy khen được đóng khung chỉn chu, treo kín mặt tường. Anh Tâm trả lời với vẻ mặt hạnh phúc khi được hỏi về chúng: “Đây là những tấm giấy khen được tặng khi tôi còn là thành viên ở Đội xung kích phòng chống tội phạm phường Tân Đông Hiệp. Với tôi, nó là tuổi trẻ, là kỷ niệm, tôi trân quý nó lắm”.
Tưởng chừng cuộc đời anh sẽ sống hết mình với chính đam mê ấy, cho đến một buổi trưa của năm 2019, khi nhận tin báo trên địa bàn mất trộm, anh vội vàng chạy đến hiện trường và không may xảy ra va chạm nghiêm trọng trên đường đi. Vụ tai nạn khiến anh gặp nhiều chấn thương nặng: Cánh tay phải mất cảm giác, không còn hoạt động được như người bình thường, chân trái tổn thương nên yếu ớt hẳn.
“Ở bệnh viện, biết cánh tay không còn cử động được, lúc đó Tâm nó gào lên liên tục, tinh thần không được tỉnh táo nữa. Nó đau, cả gia đình, bạn bè ai cũng đau đớn theo” - bà Giang, mẹ anh Tâm, cho biết.
Nhớ về cú sốc lớn nhất của cuộc đời, anh Tâm cho hay: “Khoảng tầm một tháng trải qua các cuộc phẫu thuật là tôi biết cái tay mình không còn hoạt động được nữa, lúc đó buồn lắm, cũng từng rất hận bản thân vì những giây phút bất cẩn khiến hiện tại phải ra nông nỗi thế này”.
“Tôi biết Tâm từ rất lâu rồi, thấy Tâm có lòng giúp người dân nên tôi cũng hỗ trợ bằng những điều tôi có thể làm được.”
Chủ trại hòm Minh Phát
Mô hình mai táng 0 đồng “Tâm từ Tâm”
Sự mất mát về thể chất chưa từng khiến anh chàng hiệp sĩ phải nản lòng làm việc thiện. Không thể rong xe đuổi cướp, anh chuyển sang gầy dựng mô hình mai táng 0 đồng “một thành viên” mang tên “Tâm từ Tâm” vào năm 2020.
Cuộc sống từ đó mở ra những điều diệu kỳ, chàng hiệp sĩ “hết thời” hóa ra vẫn mãi là “người hùng” của người khác. Anh lo liệu mai táng ổn thỏa cho hàng chục hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn trong suốt hai năm hoạt động. Những người được anh giúp đỡ là trường hợp neo đơn, người già yếu, gia cảnh nghèo khó…
Khi được hỏi tại sao không chọn việc thiện nhẹ nhàng như tặng quà cho các hoàn cảnh nghèo khổ, anh cho biết hiện trên địa bàn TP Dĩ An, đội thực hiện mai táng 0 đồng chưa có nhiều và hơn hết anh tâm niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, anh muốn sẻ chia những nỗi khổ cực cuối cùng với mọi người trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Chỉ “một tay”, một mình nhưng anh lo liệu chu toàn mọi việc từ khâu xác nhận hoàn cảnh đến việc mua hòm rương, tẫn liệm, hỏa táng cho người xấu số. Những việc nặng như khiêng hòm, bưng bê không làm được, anh thuê thêm người hỗ trợ rồi trích tiền để trả công phí.
Anh cho biết để giảm bớt chi phí, anh sang Hố Nai (Đồng Nai) đặt mua các quan tài bằng chất liệu ván ép Đài Loan, sau đó sẽ vận chuyển về và gửi nhờ tại trại hòm Minh Phát (TP Dĩ An). Nơi đây lúc còn khỏe, anh Tâm từng theo phụ nghề, sau này khi gặp nạn không thể làm việc được, anh chuyển qua mô hình mai táng 0 đồng và được chủ trại hòm ngỏ ý cho mượn chỗ để nhờ đồ đạc.
Chủ trại hòm Minh Phát cho hay: “Tôi biết Tâm từ rất lâu rồi, thấy Tâm có lòng giúp người dân nên tôi cũng hỗ trợ bằng những điều tôi có thể làm được”.
Tâm chỉ có “một tay” mà
làm được nhiều điều quý giá
Ông Ngô Phước Chung (55 tuổi) hành nghề chạy xe ôm trên địa bàn TP Dĩ An cho biết: “Ở đây ai cũng biết Tâm. Nó sống dễ thương, được mọi người quý mến. Trời thương Tâm nên cho nó sống để làm việc thiện giúp người. Nó chỉ có một tay mà làm được nhiều điều quý giá, nó mà còn hai tay thì còn làm được nhiều hơn nữa”.
Làm từ thiện nhưng không kêu gọi từ thiện
Anh Tâm rạch ròi trong mọi khoản chi phí, chưa từng dùng tiền lo cho bà con để sử dụng vào các việc cá nhân, kể cả chuyện nhỏ như đổ xăng trong lúc di chuyển lo liệu mai táng. “Tôi rõ ràng lắm, không bao giờ dùng tiền chung vào chuyện tư. Tôi có nói nếu tôi dùng thì hậu quả tôi sẽ lãnh hết” - anh Tâm nhấn mạnh.
Để mô hình từ thiện của mình không bị “biến chất”, anh không tích quỹ riêng, cũng chưa từng nghĩ đến việc kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội. Khi có trường hợp cần giúp đỡ, anh lại ghé nhà bạn bè, người quen - những người làm việc thiện giống anh, gom góp từng đồng để đủ kinh phí lo mai táng cho các hoàn cảnh.
Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (57 tuổi) đang ở trọ tại TP Dĩ An, một trường hợp được anh Tâm giúp đỡ việc mai táng cho chồng cách đây gần hai tháng. Vừa được hỏi đến chuyện chồng mất, bà khóc: “Lúc đó trong túi tôi không còn 1.000, bên dịch vụ mai táng báo giá hết hơn 20 triệu đồng. Rất may nhờ chú Tâm biết và đến lo liệu toàn bộ, không lấy một đồng phí nào”.
Hoàn cảnh của bà Thủy được anh Tâm hỗ trợ hết 12 triệu đồng. Lo xong hậu sự của chồng, gia đình bà gửi lại 1 triệu đồng như lời cám ơn, góp quỹ để anh hỗ trợ các trường hợp sau này.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, anh Tâm nhấn mạnh: “Thực ra trở ngại lớn nhất của tôi chỉ là sức khỏe, ngoài ra không có gì cản trở được việc tôi làm”.
Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chia sẻ gánh nặng với người vợ đang làm công nhân, mỗi ngày anh Tâm thường lui tới nghĩa trang Triều Châu (TP Dĩ An) chăm sóc mồ mả cho một số hộ tại khu vực này. Anh kể thêm: “Hơn một tuần nay tôi lấy vé số về bán, ngày cũng lời được vài trăm ngàn, có tiền đổ xăng cũng như mua sữa cho con uống”.•