Làng bánh phồng Phú Mỹ bội thu mùa Tết

(PLO)- Những ngày cận Tết, khi sương đêm còn vương trên mái lá, làng bánh phồng Phú Mỹ đã rộn ràng tiếng người, tiếng máy. Đây là mùa cao điểm, khi mỗi lò bánh phải chạy hết công suất để kịp giao hàng, mang hương vị truyền thống đến từng gia đình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Âm thanh tất bật trong làng nghề

Bước vào làng bánh phồng Phú Mỹ (ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) - làng nghề gần 100 tuổi, người ta dễ dàng bị cuốn hút bởi những âm thanh sống động của cuộc sống nơi đây. Tiếng máy đập nếp vang lên đều đặn, hòa cùng tiếng trò chuyện rôm rả của các công nhân. Âm thanh ấy, tưởng như đơn điệu nhưng lại chất chứa niềm vui và sự bận rộn của những người thợ làm bánh.

làng bánh phồng phú mỹ
Khi sương đêm còn vương trên mái lá, làng bánh phồng Phú Mỹ đã rộn ràng tiếng người, tiếng máy quệt xôi nếp

Nơi đây, những chiếc bánh phồng trắng ngần, thơm nồng mùi nếp, không chỉ là sản phẩm mang lại thu nhập mà còn là biểu tượng của sự đoàn viên, vẹn tròn trong mỗi dịp xuân về.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ nổi tiếng không chỉ bởi tay nghề khéo léo của người dân mà còn nhờ vào nguyên liệu đặc trưng: nếp Phú Tân. Đây là giống nếp được trồng trên những cánh đồng màu mỡ của vùng đất An Giang, nổi bật với hạt tròn, trắng ngần, dẻo thơm.

làng bánh phồng phú mỹ
Sau quệt khoảng 20-30 phút là công đoạn cán bánh
lang-banh-phong-phu-my-5.jpg
Những chiếc bánh phồng trắng ngần, thơm nồng mùi nếp

Cụ Trần Văn Tâm, 71 tuổi, người đã gắn bó cả đời với nghề, tự hào chia sẻ: “Chất lượng bánh phồng phụ thuộc rất lớn vào nếp. Nếp Phú Tân có độ dẻo, thơm đặc trưng mà không nơi nào có được, tạo nên hương vị riêng biệt cho bánh. Đây chính là bí quyết giúp làng nghề tồn tại qua bao đời”.

Những mẻ nếp mới được chọn lọc kỹ lưỡng, sau đó đem ngâm và xay thành bột. Kết hợp cùng nước cốt dừa béo ngậy, bột nếp trở nên dẻo mịn, tạo nền tảng cho những chiếc bánh phồng hoàn hảo

“Mỗi chiếc bánh phồng không chỉ là sản phẩm mà còn là sự kết tinh của bao đời, từ bàn tay khéo léo, tình yêu nghề và mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống. Hình dáng tròn trịa của bánh cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho sự vẹn tròn, đầy đủ trong ngày Tết”, cụ Tâm chia sẻ.

Bội thu mùa tết

Mỗi ngày, gia đình cụ Tâm làm khoảng 2.000-3.000 chiếc bánh vào ngày thường, nhưng khi vào mùa Tết, nhu cầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Những chiếc bánh phồng thơm ngon không chỉ là sản phẩm, mà còn là kết tinh của lòng yêu nghề và sự khéo léo qua bao đời.

Những ngày cận Tết, các hộ làm bánh tại Phú Mỹ như bước vào guồng quay hối hả. Tại lò bánh của ông Trần Văn Xuân (66 tuổi), cả gia đình và công nhân phải làm việc xuyên đêm để kịp giao hàng.

lang-banh-phong-phu-my-2.jpg
Bánh phồng sau cán lên vỉ chuẩn bị đem phơi
làng bánh phồng phú mỹ
Trên các giàn tre phơi bánh, hàng nghìn chiếc bánh tròn trịa, trắng ngần được xếp đều tăm tắp, tạo nên khung cảnh đẹp mắt và bình dị
lang-banh-phong-phu-my-3.jpg
Bánh phồng sữa và bánh phồng mè là 2 loại ngon nhất và được ưa chuộng nhất của làng nghề
lang-banh-phong-phu-my.jpg
Mùa tết các lò hoạt động hết công suất và tận dụng mọi nơi để phơi bánh, kể cả trên nóc nhà

“Ngày thường, chúng tôi chỉ làm từ 2-3 giờ sáng đến 8-9 giờ. Nhưng từ tháng 11 âm lịch, cả lò phải bắt đầu từ 10 giờ đêm hôm trước. Hôm nay, lò làm đến 22 ổ, tức hơn 13.000 cái bánh, mà vẫn không đủ giao,” ông Xuân chia sẻ trong niềm vui xen lẫn mệt nhọc.

Từ năm 2000, sự hỗ trợ của máy móc đã giúp lò bánh ông Xuân nâng cao năng suất. Thay vì cần 15 nhân công làm tay, giờ đây chỉ cần 10 người, nhưng sản lượng lại tăng gấp đôi. Giá mỗi 100 chiếc bánh dao động từ 120.000 - 150.000 đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Bánh phồng Phú Mỹ là một sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống, nổi bật với nhiều loại và kích cỡ như bánh phồng sữa, bánh mè, và bánh trắng bán xôi. Để tạo nên hương vị thơm ngon, dịu ngọt đặc trưng của từng chiếc bánh, nhất là vào dịp Tết, người thợ phải trải qua một quy trình công phu gồm nhiều giai đoạn: Chọn loại nếp ngon, ngâm nước và ủ đúng thời gian để đảm bảo độ dẻo và thơm. Nấu nếp đã ủ thành xôi, giữ được độ dẻo mềm tự nhiên. Tiếp theo là quết, xôi được đưa vào cối quết để tạo độ mịn và đồng nhất. Sau khoảng 20-30 phút quết là đến cán bánh tạo hình bánh theo kích cỡ mong muốn. Phơi bánh dưới ánh nắng để đạt độ khô lý tưởng. Sau khi phơi, bánh được nhúng vào nước đường để tạo độ ngọt và bóng, sau đó tiếp tục phơi cho bánh ráo hẳn.

Quá trình làm bánh đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và thời gian. Chính sự cầu kỳ này đã làm nên giá trị của từng chiếc bánh phồng, gắn liền với hương vị ngày Tết cổ truyền. Điều đặc biệt làm nên sự hấp dẫn của bánh phồng Phú Mỹ chính là khả năng nở phồng khi nướng. Dù khi chưa nướng, bánh chỉ nhỏ như chiếc đĩa, nhưng khi gặp lửa lại phồng lên to như chiếc quạt nan. Bánh sau khi nướng không chỉ mềm, xốp mà còn mang đến một hương vị đậm đà khó quên.

làng bánh phồng phú mỹ
lang-banh-phong-phu-my-9.jpg

Hương vị này là sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt thanh của đường, vị béo bùi của nếp, cùng mùi thơm đặc trưng của mè, sữa, đậu phộng, và đậu nành. Tất cả tạo nên một món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn, thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết, là món quà quê mộc mạc mà ý nghĩa.

Theo UBND huyện Phú Tân, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hiện có 16 hộ sản xuất thường xuyên với hơn 115 lao động. Mỗi tháng, làng nghề cung cấp hơn 3,4 triệu chiếc bánh ra thị trường, không chỉ tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây mà còn xuất khẩu sang Campuchia. Doanh thu 2,2 tỉ đồng/năm; thu nhập bình quân 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm