Thời gian qua, người dân Cà Mau cảm thấy hài lòng với những vụ xử lý khá mạnh tay cán bộ sai phạm của tỉnh này.
Bị khởi tố vì nhận 3 triệu đồng
Đáng chú ý, một cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Cà Mau bị khởi tố vì nhận hối lộ của dân 3 triệu đồng.
Theo Công an TP Cà Mau, Trương Vĩnh Đức là cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Cà Mau (trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT). Đầu tháng 10-2018, khi một người dân đến xin làm thủ tục chuyển tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hưởng thừa kế, Đức đã làm khó để họ phải chung chi 3 triệu đồng. Đức bị bắt quả tang khi đang nhận 3 triệu đồng của dân. Ngay lập tức Đức bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ.
Còn trước đó, tháng 4-2018, một phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau bị kỷ luật khiển trách vì đã bao che sai phạm cho cấp dưới. Cụ thể, khi phát hiện cấp dưới sai phạm trong việc sử dụng bằng cấp nhưng ông phó chủ tịch này không tiến hành các bước kỷ luật theo quy định.
Trong tháng 8-2018, chủ tịch xã An Xuyên, TP Cà Mau bị kỷ luật cảnh cáo vì đã lơ là công vụ, để tình trạng khai thác trái phép đất mặt ruộng xảy ra trên địa bàn với khối lượng lớn. UBND TP Cà Mau sau đó chỉ rút kinh nghiệm nhưng tỉnh không đồng ý, buộc xử lý lại và ông chủ tịch xã đã bị cảnh cáo.
Gần đây nhất là việc kỷ luật cách chức đối với ông Diệp Tấn Lưu, Phó Chủ tịch UBND phường 9, TP Cà Mau. Trước đó, ông Lưu bị phát hiện nhận của người dân 5 triệu đồng với lý do “vận động tiền hỗ trợ bóng đá” cho phường. Qua kiểm tra, việc vận động và nhận tiền của ông là sai quy định, phường họp hội đồng kỷ luật, đề nghị cảnh cáo ông Lưu.
Tuy nhiên, UBND TP Cà Mau đã không chấp nhận đề nghị trên, cho thanh tra làm rõ và cuối cùng đã cách chức ông này. Ông Lưu nhận hình thức kỷ luật cách chức ngay những ngày đầu năm 2019.
Cà Mau tổ chức đều đặn các cuộc họp giao ban báo chí để cung cấp nhiều thông tin về việc phòng, chống tham nhũng. Ảnh: CHÍ HẠO
Xử lý nghiêm, tác động tốt
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, nhân dân được nâng lên. Việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện chặt chẽ hơn; minh bạch trong chi tiêu ở các cơ quan, đơn vị cũng được quan tâm hơn. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh… đã tác động tích cực đến công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh.
Ông cho là tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính… Vì vậy cần có sự tập trung cao, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng. “Đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có hành vi tham ô, nhũng nhiễu, tiêu cực…” - ông nói.
Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, ông đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu…
Đầu năm 2019, hai cán bộ y tế huyện Trần Văn Thời tham ô tiền viện phí đã bị bắt giam điều tra. Trước đó, một thẩm phán ở tòa án tỉnh bị khởi tố, xét xử vì lừa đảo 50 triệu đồng của dân… Những động thái này được dư luận đồng tình, tác động tốt cho công cuộc phòng, chống tham nhũng tại địa phương. |