Ngày 25-6, PGS-TS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết vừa phẫu thuật cho bé gái TTQN (12 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) bị bướu nguyên bào sợi cơ viêm ở phế quản.
Trước đó, vào năm 2018, bé N. được chẩn đoán u phổi trái và phẫu thuật cắt phổi trái tại BV Nhi đồng 2, không xạ trị hay hóa trị sau mổ.
Đến tháng 3-2020, bé ho nhiều, khó thở nên đến kiểm tra tại BV Nhi đồng 2 và chuyển BV Ung bướu, ghi nhận u tái phát đỉnh phổi phải. Tình hình ho, khó thở không giảm nên các BS hội chẩn chuyển bé về BV Nhi đồng 1 điều trị tiếp vào ngày 2-6.
Một ngày sau khi chuyển viện, bé bị suy hô hấp và phải thở ôxy liên tục, không thể ngủ được cả ngày lẫn đêm.
PGS-TS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 chia sẻ về ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC
Kết quả kiểm tra cho thấy bé có u ở phế quản và xâm lấn qua phế quản gốc bên tay trái, lấn qua khí quản (ở phía trên), phần phía dưới lan xuống thuỳ trên của phổi phải. Khối u khiến gây bít đường thở, ngay cả ống nội soi nhỏ nhất cũng khó qua được.
Các BS tiên lượng tình trạng của bệnh nhi rất xấu, nếu khối u tiếp tục xâm lấn, bé sẽ không còn thở được và chắc chắn tử vong.
Theo BS Hiếu, khối bướu nằm ngay phế quản, đây là đường độc đạo thông khí vào phổi nên rất khó cắt so với bướu nằm ở hai thùy phổi. Do đó, các BS quyết định tiến hành ca phẫu thuật “lành ít dữ nhiều” cùng với sự hỗ trợ của ekip bác sĩ BV Phạm Ngọc Thạch.
Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ đã tiến hành cắt bỏ phế quản gốc, thùy trên phổi phải. Cắm lại khí quản phía trên qua thùy dưới và thùy giữa của lá phổi phải còn lại, giúp thông khí vào phổi.
Chưa hết, sau ca phẫu thuật, điều các BS lo ngại nhất là vết khâu nối sẽ bị bít do đàm hoặc tăng sinh mô hạt làm bít lòng. Nếu rơi vào trường hợp này, 90% bệnh nhi sẽ tử vong. May mắn, kết quả khảo sát chỗ khâu nối mới nhất cho thấy thông khí, trao đổi khí tốt.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhi sẽ được chuyển lại BV Ung bướu trong thời gian tới để có kế hoạch tiếp tục hóa trị tiếp theo.