Ca sĩ "đổi gió”

Chiều 4-7, ca sĩ hải ngoại Phi Nhung chính thức công bố hợp đồng độc quyền giữa cô và Trung tâm băng đĩa nhạc Rạng Đông (VN). Tại họp báo cô cũng giới thiệu album thứ hai "made in VN" nhan đề Thao thức vì em.

Về VN làm album

Việc ca sĩ hải ngoại về VN "làm việc" không còn là chuyện lạ, nhưng tuổi đời và cả tuổi nghề của đội ngũ trở về ngày càng trẻ. Nếu như trước đây các ca sĩ về nước khi đã qua thời vàng son tại hải ngoại thì ngày nay những ca sĩ như Phi Nhung - vốn đang ở thời kỳ đỉnh cao, là con cưng của một trung tâm băng đĩa danh tiếng ở hải ngoại - cũng "đi đi về về".

Ca sĩ "đổi gió” ảnh 1

Cuộc “đổi gió” của các ca sĩ dần xóa tan ranh giới trong “gu” thưởng thức âm nhạc giữa thị trường trong nước và hải ngoại. Trong ảnh: ca sĩ Nathan Lee (Trúc Lân - trên) và Đoan Trang - Ảnh: Gia Tiến
Cuộc “đổi gió” của các ca sĩ dần xóa tan ranh giới trong “gu” thưởng thức âm nhạc giữa thị trường trong nước và hải ngoại. Trong ảnh: ca sĩ Nathan Lee (Trúc Lân - trên) và Đoan Trang - Ảnh: Gia Tiến

Phi Nhung cho biết kỹ thuật thu âm, hòa âm, xuất đĩa gốc... ở hải ngoại vẫn nhỉnh hơn ở VN nhưng vì cô đeo đuổi dòng nhạc quê hương, về VN sẽ học được nhiều hơn về kỹ thuật hát và diễn xuất cổ nhạc... "Cộng đồng người Việt ở hải ngoại khá nhỏ. Hơn nữa, các hoạt động nghệ thuật chủ yếu vẫn là tự phát. Chúng tôi không có hiệp hội hay giải thưởng về nghề nghiệp của mình" - Phi Nhung tâm sự.

"Kẹt" nhạc sĩ

Một trong những lý do chính các ca sĩ VN thường "trưng" ra khi những dự án album và live show bị chậm trễ là "kẹt" nhạc sĩ. Chừng năm năm trở lại đây, những nhạc sĩ (cả sáng tác lẫn hòa âm) tên tuổi quanh đi quẩn lại chỉ độ chục người: Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Hoài Sa, Lê Quang, Quốc Bảo, Phương Uyên, Vĩnh Tâm, Minh Khang, Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn... Trong đó, "hot" nhất vẫn là: Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Hoài Sa, Lê Quang và Quốc Bảo. Những giọng ca danh giá, những đêm nhạc hoành tráng luôn về tay họ. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tất cả dự án về tay họ hiện nay đều chậm hơn so với tiến trình (có khi đến cả năm) và thường không xuất sắc, đột phá như mong đợi.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng tâm sự: "Tôi chỉ làm 2-3 album trong một năm. Đó đã là quá nhiều! Làm một album nghe thật "đã”, thật đặc biệt và mới mẻ thì mất một, hai năm là chuyện thường". Điều nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói hoàn toàn đúng với thực tế hòa âm và sáng tác.

Và không chỉ những ca sĩ hát nhạc quê hương mới tìm về và làm album "made in VN". Một số ca sĩ trẻ, hát nhạc trẻ đã và đang làm các album ở nơi chôn nhau cắt rốn. Album "made in VN" của Loan Châu, Trần Thái Hòa... đã có mặt trên thị trường. Và những giọng ca được mong đợi như Vân Quỳnh, Nathan Lee (Trúc Lân)... cũng đang ghi âm, sắp sửa tung ra các album trong nước.

Bay ra nước ngoài "làm dự án"

Ca sĩ Quang Dũng vừa thực hiện xong album Và (gồm 11 ca khúc của những nhạc sĩ như Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn...) tại hải ngoại và sẽ tung ra ở cả hai thị trường vào đầu tháng tám. Trong tháng tới, Đoan Trang sẽ qua Mỹ thực hiện một album hát tiếng Anh với sự giúp đỡ từ những người bạn và thầy cô ở Trường âm nhạc Berklee.

Còn Đức Tuấn sẽ sang Canada ghi âm album nhạc kịch... "Chưa chắc các sản phẩm âm nhạc thực hiện ngoài nước thích hợp với tai nghe người Việt, nhưng chuẩn về âm thanh và đúng hẹn là điều các ca sĩ có thể hoàn toàn yên tâm" - Đức Tuấn nhận xét. Nhưng để có thể bay ra nước ngoài làm dự án thì mối quan hệ và tài chính là điều không phải ca sĩ trong nước nào cũng may mắn có được.

Một trong những lý do khiến ca sĩ trong nước chuyển hướng ra nước ngoài làm dự án là do nhạc sĩ không đủ và không kịp đáp ứng. Nếu như các ca sĩ quốc tế chỉ dám ra album hai năm/lần thì ca sĩ trong nước lại ra album đều đặn mỗi năm, không chỉ một mà có khi lên đến bốn, năm album/năm (trường hợp cá biệt như Phan Đinh Tùng có dự án ra đến 12 album/năm). Ca sĩ mệt mỏi vì phải đợi chờ, chưa kể sản phẩm lắm khi trùng lắp do nhạc sĩ thực hiện quá nhiều dự án cùng lúc.

Việc ca sĩ "bay tới bay lui" làm album tạm thời chỉ là cuộc "đổi gió” mang lại nhiều sự lựa chọn khác nhau cho bạn yêu nhạc, góp phần làm sôi động thị trường nhạc Việt hơn chứ hoàn toàn không phải là trào lưu hay xu hướng. Tuy nhiên, những cuộc "đổi gió” đó đã và đang dần xóa mờ ranh giới thưởng thức và tiếp thụ âm nhạc giữa khán giả trong nước và hải ngoại.

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC - giám đốc MFC - Media - Film (Công ty Bạn Yêu Nhạc, chuyên sản xuất băng đĩa, tổ chức sự kiện âm nhạc...)

Người nghe chỉ quan tâm sản phẩm có hay không

Với ca sĩ hải ngoại, khi thực hiện một album trong nước họ có nhiều lựa chọn hơn về ca khúc, nhạc sĩ hòa âm hay nhà sản xuất nói chung (có phần ưu ái ca sĩ hải ngoại), giá thành sản xuất rẻ... Trong khi đó ca sĩ trong nước sản xuất album ở hải ngoại lại mong muốn đạt được chuẩn âm thanh và những mới lạ trong hòa âm lẫn sáng tác. Nhưng tất cả sản phẩm đó đều chỉ để phục vụ thị trường trong nước, vốn chưa đòi hỏi nhiều đến thế. Chưa kể hiện nay một số phòng thu âm trong nước cũng có khả năng làm tốt ngang ngửa. Yếu tố "ngoại" giờ đây không còn là chiêu PR thuận lợi nữa. Người nghe chỉ quan tâm sản phẩm của ca sĩ làm ra có hay hoặc không hay (theo sở thích mỗi người) chứ không quan tâm album đó được làm ra ở VN, Mỹ hay Hàn Quốc.

Theo QUỲNH NGUYỄN (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm