Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số người dân ở tổ 4, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam phản ánh việc trên địa bàn có Công ty TG nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá vôi Thạnh Mỹ làm ảnh hưởng đến đời sống bà con.
Điển hình, ngày 15-3, sau tiếng nổ mìn, ba tảng đá nặng hàng tấn lăn từ trên núi xuống, trong đó có một tảng đá lăn xuống làm sập một nhà dân.
Sống trong bất an, lo sợ
Ghi nhận của PV tại hiện trường, tảng đá kích thước dài khoảng 2,5 m, rộng 2 m, cao 1 m, ước chừng nặng khoảng 3-4 tấn rơi xuống làm hư hỏng một phần nhà người dân. Sau khi xảy ra vụ việc, công ty khai thác đá đã cử công nhân đến sửa nhà, lợp lại mái ngói.
Theo người dân, cách đây ba năm, mỗi lần công ty này nổ mìn khai thác đá, cả xóm chỉ biết tìm đường lánh nạn.
Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương và công ty khai thác đá đã làm các đường rảnh cắt ngang sườn núi để ngăn chặn đá lăn xuống. Sau đó, tình trạng đá lăn mỗi khi nổ mìn giảm đáng kể.
Mới đây, việc đá lăn từ việc nổ mìn làm sập nhà dân lại làm người dân lo lắng, bất an.
Bà Nguyễn Thị Tâm, ở tổ 4, thị trấn Thạnh Mỹ, cho biết bà rất lo sợ khi nhớ lại thời điểm tảng đá lăn từ sườn núi xuống hôm 15-3. Hôm đó bà đang ở nhà, nghe tiếng nổ mìn lớn hơn bình thường. Sau khi nổ mìn, bà nghe có tiếng động lớn từ trên núi, nhìn lên sườn núi bà hốt hoảng khi thấy một tảng đá to đang lăn xuống, khói bụi mù mịt.
“Tảng đá đó sau khi lăn xuống chân núi đã đè vào nhà anh Sơn, ngay phía sau nhà tôi và mắc lại ở đó, nếu không thì đã lăn vào nhà tôi rồi, quá nguy hiểm. Tôi lo nhất là đến mùa mưa, nước từ phía trên đỉnh núi chảy mạnh xuống thì đất đá sạt xuống lúc nào chẳng hay, cả gia đình không dám ở nhà” - bà Tâm nói.
Khu vườn của ông Trần Tuấn, cũng ngụ tổ 4, thị trấn Thạnh Mỹ, trải quanh dưới chân núi, cạnh mỏ đá. Mấy năm nay, ông chẳng dám đầu tư gì vì sợ đá lăn xuống đe dọa tính mạng con người cũng như hư hại tài sản, cây trồng.
“Doanh nghiệp hoạt động đóng thuế cho Nhà nước thì người dân ủng hộ nhưng làm thế nào cũng phải đảm bảo an toàn để người dân đầu tư phát triển kinh tế. Như tôi muốn đầu tư trang trại nhưng khi làm, bên trên họ nổ mìn khai thác đá, mình làm phía dưới thì sao dám làm” - ông Tuấn nói.
“Đất của gia đình rất rộng nhưng không dám đầu tư, bán thì không ai dám mua. Sống ở đây quá bất an, lo sợ. Rất mong chính quyền, cơ quan chức năng sớm có phương án để giải quyết tình trạng này để người dân an tâm sinh sống, làm ăn” - ông Tuấn bức xúc.
Tạm dừng hoạt động nổ mìn và khai thác
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Giang, cho biết sau sự việc đá lăn xuống làm sập nhà dân ở tổ 4, thị trấn Thạnh Mỹ, Phòng TN&MT cùng các ngành của huyện đã kiểm tra hiện trường. Đến nay, việc khắc phục thiệt hại giữa người dân và doanh nghiệp đã thỏa thuận xong.
Về góc độ cơ quan nhà nước, trước đây huyện đã có kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân xung quanh. “Làm mà ảnh hưởng đến người dân thì không được, phải hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Bằng cách nào đó phải giải quyết rốt ráo việc này” - ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn Công Bình, trước đây, đơn vị khai thác đá này có mời địa phương đo rung chấn nổ mìn thì đảm bảo. Tuy nhiên, người dân lại phản ánh khi đo thì nhà máy nổ mìn khai thác đá lưu lượng thấp, khi không đo thì họ lại nổ lưu lượng lớn hơn. Về việc này, phía địa phương đã đề nghị Sở Công Thương giám sát.
Trước đây, khi có tình trạng đá lăn xuống rẫy của người dân, địa phương đã đề nghị doanh nghiệp đầu tư các đường rãnh cắt ngang sườn núi để chắn đá. Nhưng mới đây có sự việc đá lăn xa hơn, tới nhà dân thì quá nguy hiểm. Sau sự việc trên, Sở Công Thương cùng các ngành của tỉnh Quảng Nam đã đến hiện trường kiểm tra.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, cho biết qua kiểm tra, xác định khu vực nổ mìn khai thác đá có độ cao rất lớn, gần khu dân cư. Tảng đá rơi xuống nhà dân là đá bám vào sườn núi, có thể qua thời gian dài nổ mìn, làm giảm kết dính nên lăn xuống.
“Sở Công Thương đã đề xuất tạm dừng hoạt động nổ mìn và khai thác tại vị trí xảy ra đá lăn. Yêu cầu doanh nghiệp khai thác đá tiến hành nạo vét các đường rãnh chắn đá. Ở đường rãnh thấp nhất thì làm rọ đá cao 3 m chắn lại, khi đá lăn xuống. Khi hoàn thành, doanh nghiệp báo cáo kết quả để các cơ quan liên quan xin ý kiến của tỉnh tiếp tục cho phép khai thác” - ông Quang nói.
Để có thông tin đa chiều, PV cũng đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công ty TG qua điện thoại nhưng chưa nhận được phản hồi.
Kiến nghị kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép hoạt động
Sở Công Thương sẽ kiến nghị Cục Kỹ thuật môi trường và An toàn môi trường (Bộ Công Thương) kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép, điều kiện… nổ mìn tại đơn vị này.
Sau khi xảy ra vụ việc, Công an tỉnh Quảng Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính đơn vị này, đề nghị chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ theo quy định của pháp luật.