Có nhiều trường hợp xảy ra cháy nổ trên ô tô. Xin hỏi theo quy định, có bắt buộc ô tô phải trang bị bình chữa cháy không? Nếu không trang bị sẽ bị xử phạt như thế nào?
Bạn đọc Đàm Lê (TP.HCM)
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Tại Phụ lục I Thông tư 57/2015/TT-BCA quy định ô tô từ bốn đến chín chỗ phải trang bị một bình bột chữa cháy dưới 4 kg hoặc bình bọt chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4 kg.
Tuy nhiên, quy định tại phụ lục trên đã được thay thế bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 148/2020/TT-BCA. Vì vậy, từ ngày 20-2-2021, ô tô từ bốn đến chín chỗ không phải trang bị bình chữa cháy.
Căn cứ tại Phụ lục I danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Thông tư 148/2020/TT-BCA quy định như sau:
- Ô tô từ 10 chỗ trở lên phải trang bị bình chữa cháy.
- Ô tô từ 10 đến 30 chỗ phải trang bị hai bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg, hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít.
- Ô tô trên 30 chỗ phải trang bị hai bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg, hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít.
Với loại xe này, phải có thêm một bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 5 kg, hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít.
Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021, trường hợp ô tô không trang bị bình chữa cháy sẽ bị phạt tiền 300.000-400.000 đồng.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021 là buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định.